Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2016 của ngành Công thương chiếm tỷ trọng 38,62% trong tổng GRDP toàn tỉnh (năm 2015 chiếm 38,04%) tăng trưởng GRDP của ngành đã đóng góp khoảng 3,9 điểm % trong tổng số 9,05% tăng trưởng GRDP toàn tỉnh (năm 2015 đóng góp 3,4/8,39 điểm %). Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm 2016 ước đạt 9,1% cao hơn chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước (IIP cả nước 7,5%), nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu gồm có 25 sản phẩm đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhóm các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm công nghiệp khác ước đạt 12.498 tỷ đồng, tăng 2,2% kế hoạch.
Toàn ngành đã đạt kết quả khá toàn diện trên cả 3 chỉ tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 63.589,7 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ; xuất khẩu ước đạt 1.737 triệu USD bằng 107,2% kế hoạch, tăng 12,1% so cùng kỳ; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 71.485 tỷ đồng, bằng 103,6% kế hoạch và tăng 16% so cùng kỳ.
Chợ Tân An - Tân Bình vừa được khai trương. |
Trong năm đã có 14 dự án đi vào sản xuất đóng góp quan trọng cho tăng trưởng SXCN toàn tỉnh. Một số dự án mới đi vào sản xuất như: Dây chuyền 2 Xi măng Công Thanh, dây chuyền 1 Xi măng Long Sơn, các dự án may mặc, giày da… đã tăng năng lực sản xuất công nghiệp. Góp phần giải quyết tốt lao động; phát triển công nghiệp khu vực nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có 51 cơ sở may mặc công nghiệp, sử dụng 49,5 nghìn lao động và 13 nhà máy giầy sử dụng 57,6 nghìn lao động...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tận dụng tốt các ưu đãi đầu tư, các hiệp định mậu dịch tự do (FTA), Sở Công thương đã quan tâm chỉ đạo cung cấp thông tin thị trường, thông tin các hiệp định FTA và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (C/O ưu đãi) cho các doanh nghiệp. Tính đến 20/11/2016, phòng Quản lý XNK khu vực Thanh Hóa – Bộ Công thương đã cấp 9.966 bộ C/O ưu đãi tăng 32% so với cùng kỳ.
Thanh Hóa là tỉnh có số chợ được chuyển đổi mô hình quản lý cao nhất cả nước, tính đến tháng 11/2016 đã chuyển đổi được 68 chợ. Tại TP Thanh Hóa, đang triển khai một số dự án thương mại hiện đại như: Dự án thương mại VICOM (trên 1.000 tỷ đồng), dự án Đại siêu thị BigC giai đoạn 2 (trên 160 tỷ đồng), Trung tâm Thương mại Nguyễn Kim (900 tỷ đồng), Trung tâm Thương mại EDEN (176 tỷ đồng). Mới đây, Công ty Thương mại CP Trường Thi đã khánh thành và đưa chợ Tân An - Tân Bình tại TP Thanh Hóa vào hoạt động, với diện tích 5.000 m2, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2017, ngành Công thương Thanh Hóa phấn đấu: giá trị SXCN đạt 78,845 tỷ đồng, tăng 24%; tổng giá trị xuất khẩu đạt 1.850 triệu USD; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và DVTM đạt 82 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%. Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở thêm thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước.
Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai minh bạch tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Thanh Hóa. Góp phần đưa ngành Công thương Thanh Hóa phát triển bền vững vì mục tiêu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước.