Long An hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bằng nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chú thích ảnh
Bộ đội phục viên, xuất ngũ sẽ được tỉnh Long An hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.             Ảnh: Đức Hạnh – TTXVN

Tỉnh Long An sẽ hỗ trợ vay vốn cho người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thuộc hai nhóm đối tượng: Nhóm 1 gồm lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng. Nhóm 2 gồm người lao động là bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ và người lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã bình xét, xác nhận.

Đối với nhóm 1, mức cho vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau khi trừ phần vốn vay từ nguồn vốn Trung ương nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/người. Nhóm 2 có mức cho vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết nhưng không vượt quá 150 triệu đồng/người. Lãi suất cho vay nhóm 1 bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định; nhóm 2 có lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với đối tượng nhóm 1.

Thời hạn cho vay tối đa không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động được ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các đối tượng được vay không cần bảo đảm tiền vay.

Chú thích ảnh
Thành phố Tân An - thủ phủ của tỉnh Long An đang trên đà phát triển.  Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Cũng theo UBND tỉnh Long An, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 1.000 người trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 500 người lao động có nhu cầu vay vốn với tổng số vốn khoảng 75 tỷ đồng/năm. Kinh phí thực hiện chính sách này được lấy từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm; nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính sách này được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động đáp ứng điều kiện về chi phí để tham gia thị trường lao động ngoài nước, giúp họ cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo, từ đó tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần giảm áp lực việc làm trong nước; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề, biết ngoại ngữ, có sức khỏe, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp…

Bùi Giang
Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn
Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn

Sáng 14/5, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tổ chức ở Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngày 13/5 Ngân hàng Nhà nước đã trích chuyển đủ 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN