PV: Thưa ông, quy định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội vừa chính thức được ban hành. Vậy Ngân hàng Chính sách Xã hội đã “bắt tay” khởi động chương trình này chưa thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Ngân hàng Chính sách Xã hội đang chính thức triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Việc tập huấn cho chương trình này đã được chúng tôi thực hiện cách đây một, hai năm rồi. Hiện nay tại các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có chỉ tiêu vốn. Việc phân bổ vốn theo nhu cầu tại địa phương. Cụ thể, trong năm 2018 Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được xét cho vay mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Lai Châu 10 tỷ đồng, Thanh Hoá 30 tỷ đồng…
PV: Vậy tổng nguồn vốn hiện nay dành cho chương trình là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Năm nay Chính phủ chính thức bố trí 500 tỷ đồng cho chương trình này với lãi suất 4,8%/năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa. Như vậy tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo tổng hợp nhanh từ các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tại các địa phương, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện lên tới 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch duyệt từ nay đến năm 2020 Chính phủ sẽ cấp 1.163 tỷ đồng cho chương trình này và Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ huy động thêm số vốn tương đương con số đó. Và như vậy kế hoạch từ nay đến năm 2020 nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách Xã hội dự kiến vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng.
PV: Vậy với mức lãi suất quy định như hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Lãi suất mà thấp quá thì bù lỗ nhiều, ít người vay được. Còn lãi suất cao quá thì người vay khó trả. Chính phủ cũng đã đặt ra nguyên tắc lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa không vượt quá 50% lãi suất của các tổ chức cho vay cùng loại.
Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất của các ngân hàng thương mại có cho vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước cho phép là 5%/năm. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội thiết kế, đề xuất với các bộ ngành liên quan đề xuất lên Chính phủ lãi suất cho vay chương trình này là 4,8%/năm. Hiện tại, với mức lãi suất này là vừa phải trong năm nay.
PV: Chương trình cho vay này quy định người vay mua nhà ở xã hội phải tham gia gửi tiết kiệm, vậy khi nào thì người vay tham gia gửi tiết kiệm thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, triển khai nhận tiền gửi tiết kiệm trước rồi sau đó mới cho vay. Tuy nhiên phương án này chưa khả thi bởi chưa biết nguồn vốn như thế nào, tránh trường hợp người dân gửi tiết kiệm nhưng không được vay. Sản phẩm này sẽ ban hành trong tương lai.
Phương án thứ hai là sau khi có chỉ tiêu vốn, người vay được xét duyệt thì bắt đầu tham gia gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng. Trong 1 năm gửi tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ ân hạn không thu nợ để đảm bảo điều kiện đầu vào. Để tránh thất thoát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm được quy định bằng lãi suất cho vay.
PV: Ngân hàng Chính sách Xã hội lường trước được những khó khăn gì khi triển khai chương trình này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Lý: Nguồn vốn ít trong khi nhu cầu nhiều. Đây là khó khăn lớn và chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, với kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình cho vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách trong 16 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng đối phó với những khó khăn.
Tất cả các hồ sơ được xét đủ điều kiện vay thì sẽ được giải ngân nếu nhu cầu vay ít hơn hoặc bằng nguồn vốn được phân bổ. Trong trường hợp nhu cầu vay lớn hơn nguồn vốn thì sẽ chấm điểm theo tiêu chí và có những đối tượng sẽ được ưu tiên như người chưa có nhà, gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhân dân... Nếu nhiều trường hợp cùng điểm thì tiến hành bốc thăm khách quan, công khai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!