Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Với niềm đam mê, quyết tâm khởi nghiệp cùng sự sáng tạo, một số bạn trẻ của tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn chọn con đường khởi nghiệp bằng phát triển kinh tế từ các mô hình nông nghiệp. Các mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho bản thân mà còn khẳng định được khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của những thanh niên đất Kinh Bắc.

* Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Bằng sự năng động và khát vọng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, Trần Văn Trường, sinh năm 1988, thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình đi lên từ hai bàn tay trắng, trở thành thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Về thăm trang trại của anh Trần Văn Trường, được anh chia sẻ, chúng tôi mới thấy được tinh thần dám nghĩ dám làm của những thanh niên vùng nông thôn. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, anh Trường xin vào làm cho một doanh nghiệp nhưng thu nhập bấp bênh. Sau hai năm, Trường quyết định trở về quê hương lập nghiệp.

Chú thích ảnh

Nhiều lần bị gia đình phản đối khiến Trường càng quyết tâm hơn để chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng. Gia đình sẵn có hơn 2ha đất vườn, ao, anh Trường đã chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại làm hướng đi khởi nghiệp. Để mở rộng sản xuất, Trường vay mượn bạn bè, người thân thuê để 3ha của người dân trong vùng phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC (vườn, ao chuồng).

Anh Trần Văn Trường cho biết, những năm đầu khởi nghiệp, nguồn vốn đầu tư không nhiều, kinh nghiệm chăn nuôi gần như không có nên trang trại của anh gặp rất nhiều khó khăn, bị thua lỗ. Không nản chí, anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và đi tham quan thực tế những mô hình chăn nuôi khác để rút kinh nghiệm. Bên  cạnh đó, anh còn  tích cực tham gia các buổi tập huấn tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi để tích lũy kinh nghiệm, cũng nâng cao kiến thức ứng dụng khoa học, kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi.

Năm 2019, được sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, anh Trường đã vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Có vốn trong tay, anh quyết định đầu tư vào trang trại, đặc biệt là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả là cam và chuối. Hiện chuối đã cho thu hoạch, còn cam dự kiến đến Tết Nguyên đán sẽ cho thu hoạch.

Với 5ha trang trại, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, anh Trường thu về khoảng 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 200.000- 250.000 đồng/ngày.

Đánh giá về hiệu quả từ đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, anh Trần Văn Trường cho biết, nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chính là chiếc cần câu giúp cho nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

* Bỏ phố về làng để làm nông nghiệp sạch

Chú thích ảnh

Dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng với sự táo bạo, sáng tạo của mình, anh Phạm Văn Sơn, sinh năm 1991, trú tại thành phố Bắc Ninh đã khởi nghiệp thành công mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGap.

Từng là một kỹ sư công nghệ thông tin với thu nhập cao, năm 2015, anh Sơn xin nghỉ việc đã khiến nhiều người bất ngờ. Anh Sơn chia sẻ, lúc đầu, nhiều trong gia đình phản đối bởi công việc của anh đang là niềm mơ ước của rất nhiều người, trong khi đó sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro.

Theo anh Sơn, hiện nay, người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật, vì vậy, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.

Ban đầu, anh Sơn đầu tư xây mô hình trồng rau thủy canh tại nhà, nhưng không hiệu quả. Sau nhiều lần đi thực tế, cuối năm 2018, Sơn quyết định bỏ phố về làng để trồng cây măng tây, phát triển kinh tế gia đình.

Chú thích ảnh

Anh Sơn tâm sự, để hiểu rõ hơn về cây măng tây ngoài việc tìm hiểu trên mạng Internet anh còn đi khắp các tỉnh trên cả nước để học hỏi kỹ thuật trồng măng tây. Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy chất đất ở khu vực thôn Đại Bình, Đại Xuân, huyện Quế Võ phù hợp với trồng măng tây. Cuối năm 2018, anh Sơn đã thuê lại và mua 8.000 cây giống từ về trồng trên diện tích 6.000 m2.

"Với chi phí đầu tư ban đầu lớn, tiền cây giống, cải tạo đất, phân bón... lên cả trăm triệu đồng nên anh Sơn và cả gia đình vừa làm vừa lo. Vì cây trồng vào mùa hè nóng bức, thời tiết năm đó nắng hạn nên ngày đêm anh Sơn phải thường xuyên túc trực ở ngoài ruộng để bơm nước tưới cây, giữ độ ẩm cho cây không bị chết. Sau đó, thời tiết thuận lợi nên ruộng măng tây của gia đình anh phát triển xanh tốt", anh Sơn cho hay.

Theo anh Sơn, măng tây hoàn toàn là rau sạch, bởi quá trình trồng, chăm sóc cây măng tây phải theo đúng quy trình kỹ thuật, nếu dùng quá hàm lượng phân bón hoặc phải phun thuốc… cây sẽ không cho năng suất cao. Đây cũng là lý do khiến măng tây có giá thành cao hơn các loại rau thông thường.

Hiện, một năm cây măng tây cho 8 tháng thu hoạch, trong 8 tháng này mỗi ngày  anh Sơn thu 35 – 40kg măng tây, với giá trung bình 50.000-55.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm anh lãi trên 200 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ cây măng tây mang lại, anh Sơn đã thuê đất để mở rộng sản xuất. Không dừng lại ở đó, để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, anh Sơn đã liên hệ với Thành Đoàn Bắc Ninh để tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên, với số tiền vay là 900 triệu đồng. Hiện, anh Sơn đang hoàn thiện hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng dưa baby theo hướng công nghệ cao. Dự kiến, khoảng cuối năm 2020, hệ thống nhà màng, nhà lưới sẽ đi vào hoạt động.

Đánh giá về hiệu quả của các mô hình, anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên có ý chí, khát vọng, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên Bắc Ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương../.

TTN
Công bố bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề huyện Yên Phong (Bắc Ninh)
Công bố bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề huyện Yên Phong (Bắc Ninh)

Ngày 15/9, tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Yên Phong tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề huyện Yên Phong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN