Kon Tum hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững 

Huyện Kon Plông là một trong 2 vùng kinh tế động lực (cùng thành phố Kon Tum) của tỉnh Kon Tum. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum kỳ vọng lớn vào Kon Plông, mong muốn huyện vùng III nơi đây trở thành đầu tàu trong việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên (đất đai, thời tiết) để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, xứng tầm là vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Chú thích ảnh
Trang trại dê sữa Măng Đen (xã Măng Cành huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) Trại dê lớn nhất Việt Nam ở Măng Đen

Manh mún, dàn trải

Huyện Kon Plông hiện có hơn 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 15% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Cùng đó, Kon Plông đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với diện tích 170 ha. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả xứ lạnh với diện tích gần 1.400 ha.…

Tuy nhiên, đất sản xuất nông nghiệp hiện manh mún, phân bổ rải rác. Tài nguyên đất chưa được sử dụng triệt để, hoang hóa, lãng phí. Hiện một số cây trồng chủ lực được chính quyền hỗ trợ dân phát triển nhiều năm qua đã không phát triển như kỳ vọng. 

Cụ thể, diện tích cà phê xứ lạnh tuy đã hình thành nhưng người dân ít đầu tư, chăm sóc. Cây cà phê phát triển kiểu tự phát, năng suất, sản lượng chưa cao. Cùng với đó, kỷ thuật, thu hoạch và chế biến sau thu hái của người dân còn kém. 

Theo ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vị trí vàng Group cho biết, làm nông nghiệp ở Kon Plông còn nhiều khó khăn. Diện tích canh tác manh mún, không có liền thổ. Người dân trồng cà phê, khi thu hoạch không đúng quy trình nên chất lượng quả sau thu hoạch không cao như kỳ vọng. 
Cà phê chín, thu hái, sơ chế trong 24 giờ để đảm bảo chất lượng nhưng người dân chưa làm được….

Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Quỳnh xác định năm nay doanh nghiệp chấp nhận lỗ từ 3 - 5 tỷ đồng khi thu mua cà phê. Việc làm trên nhằm để bà con tin tưởng, tái canh cây. Hiện doanh nghiệp của ông Trần Văn Quỳnh đang thu mua cà phê chín với giá 20.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá thị trường.

Trong khi đó, hiện tại người trồng cà phê ở Kon Plông chủ yếu bán xô (trái không chín đều) với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Giá bán này thấp bằng 1/3 nếu thu hái và bán quả chín ngay trong ngày. Một lãnh đạo cấp xã ở Kon Plông thừa nhận rất khó thu hoạch khi đợi cà phê chín đều. Cà phê chín rải rác, diện tích cà phê của hộ dân là rất khó cho dân nếu thu hoạch đúng quy trình.

Khẳng định việc phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua ở Kon Plông có những bước phát triển, đạt được nhiều kết quả khả quan và đi đúng hướng, nhưng ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cũng chỉ ra những mặt hạn chế. 

“Vùng chuyên canh những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng đã hình thành nhưng còn nhỏ lẻ, chưa thành sản xuất hàng hóa. Các vùng, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rất ít. Cùng đó tư duy, nhận thức của bà con trong vấn đề phát triển nông nghiệp còn chậm thay đổi. Kon Plông đã trồng được các loại cây chủ lực như cà phê, chè, rau, hoa xứ lạnh, tuy nhiên thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch của dân chưa tốt, chưa đúng kỹ thuật dẫn đến giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp”, ông Đặng Quang Hà chia sẻ. 

Để giúp Kon Plông xứng tầm vùng kinh tế động lực của Kon Tum, chính quyền huyện đang từng bước nỗ lực để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm nông nghiệp của huyện Kon Plông

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

“Kon Plông cần tập trung vào nông nghiệp sạch, bền vững, hữu cơ, tuần hoàn và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển. Lấy nông nghiệp là nền tảng để phát triển du lịch”, ông Đặng Quang Hà khẳng định chủ trương phát triển nền nông nghiệp bền vững của huyện trong thời gian tới.

Hiện Kon Plông đã định hình vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với 1 số sản phẩm đặc trưng. Theo đó, huyện sẽ phát triển vùng chuyên canh trồng cà phê xứ lạnh, giống aribica với khoảng 1.500 ha gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý; huyện quy hoạch vùng chuyên canh cây chè ở vùng Đông Trường sơn với diện tích cả nghìn ha tại 2 xã Pờ Ê, Hiếu; vùng chuyên canh rau, hoa, tiêu rừng…. 

Cùng đó, Kon Plông quy hoạch, sắp xếp lại các vùng chuyên canh trong nông nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa, hướng tới xuất khẩu; trong đó, sắp xếp lại diện tích rau, hoa, quả với khoảng 1.300 ha. 

Xác định đầu ra sản phẩm nông nghiệp là quan trọng, ông Đặng Quang Hà khẳng định, phải hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp. Chính phủ đã có Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trước mắt, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cà phê, chè đã có. Thời gian tới, làm thêm các chuỗi liên kết khác như gạo đỏ, tiêu rừng. Đầu tư nông nghiệp phải mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, sản phẩm rõ ràng. 

“Chúng ta định vị xây dựng thương hiệu cho Kon Plông để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng đó, huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, xuất sứ hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm so với nông nghiệp thuần túy”, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà thông tin.

Kon Plông phấn đấu đến năm 2045, huyện sẽ phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu, sản xuất hàng hóa lớn; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tăng năng suất, nâng cao chất lượng gắn với chế biến hiện đại, có sức cạnh tranh cao; phấn đấu nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện tăng cao hơn 30%; trong đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đạt từ 30 đến 35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chung của huyện. 

Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm từ 2-3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên. Đến năm 2025 Kon Plông có 15-20 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Các sản phẩm nông nghiệp hoàn thiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm… .

Bài, ảnh: Cao Nguyên
Kon Tum nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Kon Tum nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo công bố của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Kon Tum đạt 58,95 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố, giảm 3,07 điểm và giảm 5 bậc so với năm 2020. Tuy có một số yếu tố khách quan dẫn đến việc giảm điểm và giảm bậc PCI, song Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này; đặc biệt là giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN