DPM 'vượt bão' lập kỷ lục mới

Mặc dù chịu các tác động bất lợi của dịch COVID-19, sự đứt gãy của chuỗi logistic toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam vượt bão thành công để lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong gần 20 năm. Ông Lê Cự Tân, Tổng Giám đốc PVFCCo, đã trao đổi về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Lê Cự Tân.

Nhìn lại năm 2021 vừa qua, theo ông đâu là những “gam màu sáng nhất và trầm nhất” trong bức tranh sản xuất kinh doanh của PVFCCo?

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội ở nhiều nơi, PVFCCo vẫn vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ liên tục với công suất tối đa. PVFCCo đã sản xuất hơn 1 triệu tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó 2 sản phẩm chính là đạm Phú Mỹ đạt gần 800 nghìn tấn, NPK Phú Mỹ đạt trên 160 nghìn tấn.

Sản lượng kinh doanh năm 2021 đạt trên 1,26 triệu tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK Phú Mỹ trên 150 nghìn tấn, góp phần đảm bảo vật tư đầu vào thiết yếu cho ngành nông nghiệp. Các chỉ số tài chính của PVFCCo cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua. Có thể nói đây là những gam màu sáng nhất của PVFCCo trong bối cảnh đặc biệt năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn một số điểm chưa sáng trong bức tranh chung của PVFCC như quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, toàn diện; việc tinh giản bộ máy, tái cấu trúc còn chậm. Hiện ban lãnh đạo PVFCCo đã có các giải pháp để khắc phục các hạn chế này.

Có ý kiến cho rằng năm 2021 các doanh nghiệp ngành phân bón gặp may nhờ hưởng lợi giá phân bón tăng phi mã do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Giá phân bón năm 2021 tăng mạnh là điều kiện thuận lợi nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng chịu nhiều thách thức không kém khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá tăng phi mã. Vì vậy, giá bán tăng chỉ là điều kiện thuận lợi nhất thời, còn tận dụng được hay không thì phụ thuộc vào khả năng, mức độ sẵn sàng của từng doanh nghiệp.

Ví dụ vào giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, chỉ cần trong nhà máy xảy ra 1-2 ca F0 là hoạt động của toàn nhà máy sẽ bị tê liệt. Ở khâu kinh doanh, nếu không vượt qua được khó khăn đứt gãy chuỗi logistics thì không thể giao hàng kịp thời, thậm chí không thể xuất hàng khiến tồn kho tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ dừng sản xuất vì kho chứa có hạn. Thực tế là rất nhiều nhà máy trong nước và trên thế giới đã phải ngưng sản xuất hoặc cắt giảm sản lượng cho dù giá phân bón tăng cao.

Ý thức được điều đó, ngay khi đại dịch mới xảy ra, PVFCCo đã kịp thời thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động, vận hành sản xuất an toàn và ổn định.

Khi diễn biến dịch phức tạp, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sớm áp dụng chế độ “3 tại chỗ” đối với toàn bộ khối vận hành, chia nhà máy thành nhiều zone (vùng), từ zone 0 (vùng lõi) tới zone 1, 2, 3... để ngăn ngừa, kiếm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tất cả cán bộ công nhân viên làm việc ở nhà máy được tiêm đủ 2 mũi vaccine, được xét nghiệm định kỳ và được chăm sóc y tế. Nhờ vậy, nhà máy Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ đã hoạt động liên tục với công suất cao nhất.

Với các khâu bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và giãn cách xã hội như nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm, PVFCCo đã áp dụng linh hoạt nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa, tăng cường vận chuyển bằng đường biển, đường sông để bổ sung cho đường bộ bị gián đoạn, phối hợp giữa năng lực tồn trữ của hệ thống kho đầu mối, kho trung chuyển và giao hàng thẳng tới các nhà phân phối. Nhờ vậy, sản phẩm được cung ứng kịp thời tới bà con nông dân, góp phần kìm giữ mức tăng giá trong nước thấp hơn mức tăng giá trên thế giới.

Giai đoạn dịch bùng phát dữ dội nhất, bộ máy điều hành của PVFCCo đã nhanh chóng chuyển sang làm việc từ xa, áp dụng văn phòng số nên hoạt động không bị ngưng trệ ngay cả khi giãn cách xã hội trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Kho xuất sản phẩm của PVFCCo.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tận dụng tốt kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn cho tái cơ cấu doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi thị giá cổ phiếu tăng mạnh. Vậy kế hoạch của PVFCCo như thế nào khi thị giá cổ phiếu DPM đã tăng gần 2 lần trong năm 2021?

PVFCCo có lợi thế hơn nhiều doanh nghiệp khi có nền tảng tài chính khá dồi dào và vững chắc. Hiện tại PVFCCo đủ nguồn lực để triển khai các dự án mới và chưa cần huy động thêm vốn từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Tuy nhiên, trong tương lai chúng tôi cũng có thể xem xét các phương án này khi cần thu xếp tài chính để mở rộng đầu tư hơn nữa. Việc giá cổ phiếu DPM tăng mạnh trong năm 2021 cũng khiến chúng tôi được khích lệ vì đã chứng tỏ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông khi đầu tư vào cổ phiếu DPM.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu PVFCCo điều chỉnh báo cáo tài chính
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu PVFCCo điều chỉnh báo cáo tài chính

Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM) phải điều chỉnh lại một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính hai năm 2016 và 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN