Bình Thuận nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách

Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã xếp loại Giỏi cho kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp chi nhánh “Giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Thuận”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại điểm cầu Bình Thuận chúc mừng nhóm nghiên cứu.

Thực tiễn những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hôi, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Giai đoạn 2016 - 2022, với tỷ lệ hộ dân nông thôn được vay vốn hàng năm hơn 40%, nguồn vốn chính sách đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 69/93 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, TP Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và huyện Đức Linh, Phú Quý được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Tại các xã xây dựng Nông thôn mới, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, với doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2022 đạt 4.325 tỷ đồng, cho 157,3 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đến hết năm 2022 là 2.893 tỷ đồng, với 81.167 khách hàng còn dư nợ, chiếm 74% tổng dư nợ của chi nhánh, tăng 1.471 tỷ đồng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,81% năm 2016 xuống còn 1,31% cuối năm 2022.

Thông qua đầu tư cho vay tại các xã xây dựng Nông thôn mới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã góp phần nâng cao trình độ dân trí ở nông thôn; tạo điều kiện cho người dân làm quen dần với kinh tế thị trường, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế hộ, giúp cho họ ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống; duy trì các nghề truyền thống, như: làm gốm, dệt thổ cẩm. Bộ mặt nông thôn đã có những cải biến rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, công nghệ kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản lượng, đời sống người dân nông thôn ổn định.

Những kết quả đó đã được nhóm nghiên cứu đề tài phân tích trên cơ sở khai thác số liệu thống kê, báo cáo tổng kết hàng năm của UBND tỉnh, các Sở, ngành, của chi nhánh. Kết hợp với báo cáo điều tra, khảo sát các hộ vay vốn, đoàn thể cấp xã, nhóm nghiên cứu đề tài đã đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2022.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn những hạn chế, như: Việc phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa thực hiện một cách đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao; một số tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới bình quân cấp huyện, cấp xã tại tỉnh Bình Thuận đạt thấp;…

Từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Bình Thuận. Các giải pháp được đưa ra đa dạng, hướng đến đầy đủ các đối tượng tham gia hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Nhóm nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Phan Việt
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, Công đoàn cơ sở Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã dũng cảm hy sinh, mất mát xương máu của mình để bảo vệ non sông Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN