Quyết định này được xây dựng nhằm thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Quyết định là cơ quan đại diện chủ sở hữu, bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ Tiêu chí phân loại để thực hiện rà soát, sắp xếp các doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn theo các hình thức: cổ phần hóa, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thoái vốn nhà nước; sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp có cùng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản trong trường hợp thuộc diện giải thể, phá sản.
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi sở hữu và tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ đối với các trường hợp không thực hiện được theo Tiêu chí phân loại hoặc chưa được quy định tại Tiêu chí phân loại.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí: có tỷ trọng doanh thu từ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên tổng doanh thu của doanh nghiệp 03 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển đổi dưới 50% hoặc có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cao hơn hoặc bằng lãi suất ngân hàng thương mại nhà nước thì thực hiện rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi sở hữu, thoái vốn và tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp trong trường hợp chuyển đổi sở hữu; thoái vốn cho phù hợp với thực tế của ngành hoặc địa phương.
Theo dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng Danh mục doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại theo các hình thức: cổ phần hóa, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thoái vốn nhà nước; sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở đề xuất của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I/2021; đồng thời, định kỳ rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Tiêu chí phân loại phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con xây dựng Đề án cơ cấu lại gồm nội dung sắp xếp doanh nghiệp thành viên để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định công ty mẹ nắm giữ tỷ lệ vốn tương ứng với tỷ lệ vốn Nhà nước tại các ngành, lĩnh vực quy định tại Tiêu chí phân loại đối với các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong ngành, lĩnh vực này. Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp thành viên, trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.
Các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị Công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con thực hiện chuyển đổi sở hữu trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thì đối với các doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi, căn cứ Tiêu chí phân loại chủ động điều chỉnh lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ khi xây dựng Phương án chuyển đổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp.
Đối với các doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án chuyển đổi, thực hiện theo Phương án đã được phê duyệt và xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước theo quy định. Nhà nước không đầu tư bổ sung vốn tại các doanh nghiệp đã hoàn thành thoái vốn nhà nước để đạt tỷ lệ nắm giữ như quy định tại Tiêu chí phân loại, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác. Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến.