Báo cáo nêu rõ, FDI vẫn trên đà lập kỷ lục trong năm 2016 - nhờ sức hút đầu tư do chi phí thấp, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và kỹ năng lao động, cùng môi trường kinh doanh với nhiều quy định được bãi bỏ đang ngày càng mở rộng cửa cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Triển vọng kinh tế của ASEAN vẫn khá khả quan trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu.
Dữ liệu gần đây cho thấy sự cải thiện về thương mại tại một số nền kinh tế như Việt Nam và Singapore, và các ngân hàng trung ương của ASEAN có thể có khả năng nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Rủi ro bên ngoài lớn nhất cho sự tăng trưởng của ASEAN trong vài năm tới đây là khả năng suy giảm tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc. Điều này làm suy yếu nhu cầu toàn cầu đối với nguyên liệu thô, sản phẩm xuất khẩu chính của Indonesia và Malaysia.
Việt Nam là điểm sáng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Báo cáo nêu rõ, nền kinh tế các nước ASEAN cũng chịu ảnh hưởng của sự chậm lại nói chung trong tốc độ toàn cầu hóa hoặc sự suy yếu trong việc đồng nhất quan điểm ủng hộ tự do thương mại. Tuy vậy, nhiều nền kinh tế trong khu vực như Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc thăng hạng lên chuỗi giá trị toàn cầu nhờ những cơ hội mà thương mại tự do và các dòng đầu tư mang lại.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết: “Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Những thỏa thuận như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vai trò quan trọng bởi những thoả thuận này không chỉ có khả năng trực tiếp đẩy mạnh các dòng thương mại và đầu tư, mà còn giúp đưa những thực tiễn kinh doanh tốt vào các nước tham gia ký kết. Do đó, nếu tốc độ đẩy mạnh việc thông qua các thỏa thuận hợp tác như thế này có dấu hiệu chậm lại, Chính phủ và các doanh nghiệp cần tìm những biện pháp thay thế để cải thiện môi trường kinh doanh”.