Các địa phương thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 6/12, nhiều HĐND các tỉnh tổ chức họp nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2016, đề ra phương hướng, giải pháp năm 2017.

Ngày 6/12, HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức kỳ họp thứ ba, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh năm 2016, đề ra phương hướng, giải pháp năm 2017.

Kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.

Tại kỳ họp, các đại biểu thông qua các Nghị quyết về: Quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; Quy định phân cấp quản lý ngân sách các cấp chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020; Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017; Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016-2020; giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020...

Năm 2016, kinh tế của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 109.106 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 74,3%; dịch vụ chiếm 20,7%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn 5%. Tổng thu ngân sách ước đạt gần 17.000 tỷ đồng, đạt 104% dự toán năm, tăng 1.700 tỷ đồng so với năm 2015. Với môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn, Bắc Ninh đã và đang trở thành một trong những tỉnh có thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Trong năm 2016, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 164 dự án FDI có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 458 triệu USD; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 935 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt hơn 12,26 tỷ USD.

Năm 2017, Bắc Ninh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 9%- 9,2% so với ước thực hiện năm 2016; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng ; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 18.861 tỷ đồng; tạo việc làm cho 27.000 lao động.

Ngày 6/12, HĐND tỉnh Trà Vinh khóa IX tổ chức kỳ họp lần thứ 2, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Năm 2017, HĐND tỉnh Trà Vinh đề ra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu: Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 550 triệu USD; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 22.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 %; trong vùng đồng bào Khmer giảm 3%.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nói trên, tỉnh Trà Vinh thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu, như: tập trung đẩy mạnh việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tăng cường khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển, ưu tiên vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, nhất là vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh tiếp tục tốt chương trình phát triển kinh tế biển, kinh tế ven biển và chiến lược biển đến năm 2020; thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư phát triển một số ngành, nghề, sản phẩm hàng hóa chủ lực; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, cụm công nghiệp theo quy hoạch và dự án được duyệt gắn với công tác xúc tiến mời gọi đầu tư; tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để kêu gọi đầu tư

Năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt gần 34 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 4 triệu đồng so với năm 2015.

Ngày 6/12, tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đã tiến hành bầu bổ sung một số chức danh chủ chốt của HĐND tỉnh Gia Lai gồm: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó Trưởng Ban kinh tế - ngân sách của HĐND tỉnh.

Theo đó, ông Đặng Phan Chung sinh năm 1961, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được tín nhiệm bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai. Ông Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1984, Thành ủy viên, Phó phòng kinh tế thành phố Pleiku, đại biểu HĐND tỉnh khóa XI nhiệm kỳ 2016 - 2021 được bầu làm Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Gia Lai.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 đã nêu rõ nhiều nội dung quan trọng cần được triển khai trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN