Đây là “tàu 67” thứ 26 được hạ thủy và đưa vào sử dụng tại Ninh Thuận theo chương trình vay vốn ưu đãi từ nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng. Tàu vỏ gỗ bọc composite của ngư dân Nguyễn Văn Thanh, trú tại thôn Lạc Tân, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tàu có chiều dài 22m, chiều rộng 6,5m, công suất 1070 CV.
"Tàu 67" của ngư dân Nguyễn Văn Thanh. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh vui vẻ: "Gia đình chúng tôi thật sự vui mừng khi được sử dụng con tàu mới có công suất lớn để có thể đánh bắt xa bờ, khai thác các loại cá lớn có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tôi cũng tham gia vận động bà con ngư dân tích cực chuyển đổi, nâng cấp và đóng mới tàu có công suất lớn để khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tập quán khai thác lạc hậu, gần bờ và mang tính hủy diệt đã làm cho sản lượng khai thác gần bờ ngày càng khan hiếm, cạn kiệt. Vì vậy yêu cầu cấp bách đặt ra cho các cấp chính quyền và ngư dân là phải thay đổi tập quán đánh bắt gần bờ bằng đánh bắt xa bờ với tàu công suất lớn khai thác các loại cá lớn có giá trị kinh tế cao kết hợp với công nghệ bảo quản sau đánh bắt hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt.
Địa phương huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận xác định kinh tế biển là thế mạnh của địa phương, bà con ngư dân có nhiều kinh nghiệm đánh bắt. Với tinh thần đó, địa phương luôn tuyên truyền vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu có công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.