Đây là cụm công nghiệp vừa được tỉnh Đồng Nai đưa vào quy hoạch và chưa được cấp phép đầu tư, tuy nhiên đơn vị được giao thực hiện dự án đã phân lô bán cho doanh nghiệp dẫn đến việc gần 60 công trình gồm nhà xưởng, nhà máy xây dựng trái phép.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các địa phương, đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ do UBND thành phố Biên Hòa chuyển giao. Sau khi có kết quả kiểm tra, đoàn sẽ báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai các phương án xử lý.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thanh, kiểm tra khu vực cụm công nghiệp Phước Tân trước đó do đoàn kiểm tra của UBND thành phố Biên Hòa tiến hành. Tuy nhiên, do thành phố Biên Hòa thực hiện quá chậm nên UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu rút hồ sơ và thành lập đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì để thanh, kiểm tra khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân.
Trong tháng 8/2018, đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì phối hợp cùng 11 đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện tình hình hoạt động tại khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân với các nội dung như: Thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường, cung cấp điện, thuế, phòng cháy, cách chữa cháy, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và việc xử lý các cá nhân, doanh nghiệp liên quan vi phạm.
Kết quả thanh, kiểm tra việc quy hoạch, xây dựng tại cụm công nghiệp Phước Tân sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Chính phủ.
Trước đó, TTXVN đã phản ánh việc cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa) có diện tích 72 ha, dù chưa được tỉnh Đồng Nai cấp phép nhưng doanh nghiệp đã tự ý phân lô bán lại cho hàng chục đơn vị, cá nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan.
Diện tích 72 ha quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân là đất rừng trồng, được sử dụng làm quỹ cây xanh cho đô thị loại 1 Biên Hòa. Do đó, khi lấy diện tích đất trên làm cụm công nghiệp phải giải trình và xin ý kiến của Bộ Xây dựng, đồng thời phải bố trí diện tích đất tương đương để trồng cây xanh. Nhưng việc này vẫn chưa được UBND thành phố Biên Hòa và UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.
Hiện khu vực trên dù mới chỉ được đưa vào quy hoạch và chưa được cấp phép thành lập cụm công nghiệp, song gần 60 doanh nghiệp đã xây nhà xưởng, nhà máy trái phép. Nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lượng hàng nghìn công nhân. Diện tích mà các doanh nghiệp đã xây dựng trái phép trong khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân là khoảng 150.000 m2 nhà xưởng với số vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.