Đồng Nai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đồng bộ với phát triển kinh tế

Tỉnh Đồng Nai đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Phạm Văn Ru.

Được sự ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, ông Phạm Văn Ru, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về nội dung trên:

Ông cho biết việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại địa phương có ý nghĩa như thế nào?

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thảo luận và quyết định ban hành nhiều nghị quyết, kết luận rất quan trọng, trong đó Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết này là quyết sách có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, bởi vì:

Thứ nhất, Đảng ta xác định việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi tất yếu và là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Nghị quyết 18 chính là sự cụ thể hóa nhằm thực hiện một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Ðại hội XII của Ðảng đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Việc thực hiện tốt Nghị quyết sẽ góp phần to lớn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, khắc phục những "nút thắt" trong quản lý, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới của công cuộc đổi mới trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn của địa phương, qua tổng kết thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tại tỉnh Đồng Nai, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo đúng quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, bước đầu đã có sự tinh gọn theo hướng sắp xếp, bố trí phù hợp, đáp ứng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của mỗi tổ chức, bộ máy được quy định rõ ràng; đã hạn chế nhiều sự chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ; biên chế nhiều cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở được bố trí cơ bản phù hợp với vị trí việc làm và chuyên môn đào tạo.

Sau kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế hầu hết cán bộ, công chức chấp hành tốt sự phân công của tổ chức và xác định rõ vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong mỗi tổ chức.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được tổ chức bộ máy còn có một số hạn chế như một số cơ quan tham mưu giúp việc khối đảng và cơ quan chuyên môn khối nhà nước có nhiệm vụ tương đồng.

Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân trên một số lĩnh vực; hiệu quả, chất lượng hoạt động một số đơn vị sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy chưa cao; sự phối hợp giữa một số ban, ngành với chính quyền địa phương chưa trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ; việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn khối chính quyền chỉ mang tính chất cơ học, chủ yếu làm giảm đầu mối quản lý, chưa thật sự tinh giản bộ máy bên trong của đơn vị, trong đó đang có xu hướng nâng phòng chuyên môn thành Chi cục; số lượng tổ chức hội quần chúng nhiều nhưng nội dung, phương thức hoạt động còn nặng về hành chính.

Các bước tiến hành việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của tỉnh Đồng Nai được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Tỉnh ủy xác định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của tỉnh phải thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.

Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.

Ví dụ như hiện nay Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn về khung biên chế thành lập tổ chức và số lượng cấp phó, tuy nhiên từ tổng kết thực tiễn của địa phương, tỉnh chủ động quy định khung biên chế để thành lập phòng và số lượng cấp phó phòng (ban) trực thuộc các cơ quan khối đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và sở, ban, ngành tỉnh; hay mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân xã, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương chỉ thực hiện từ 2 - 3% số lượng xã, thị trấn, tuy nhiên qua thực tế thực hiện nhận thấy mô hình có nhiều ưu điểm nên đến nay tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn thực hiện ở 29/142 xã, thị trấn (tỷ lệ 20,42%); hoặc mô hình trưởng ban dân vận đồng thời chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm 1 địa phương trước khi có chủ trương của Trung ương hoặc như thí điểm mô hình Giám đốc một số sở ngành Y tế, Giáo dục Đào tạo, Thông tin và Truyền thông kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đem lại nhiều kết quả rất tích cực.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Kế hoạch của Tỉnh ủy xác định lộ trình thực hiện gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến năm 2019, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các đơn vị; hạn chế thấp nhất sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan, đơn vị; thí điểm thực hiện một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh ở những nơi đủ điều kiện; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hiện có theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Giai đoạn 2 đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị; cơ bản sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, sáp nhập các ấp, khu phố không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; sơ kết, đánh giá các mô hình thí điểm để nhân rộng thực hiện. Những năm tiếp theo, hoàn thiện các mô hình thí điểm tiến tới nhân rộng thực hiện trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Trong thực hiện, tỉnh chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Đồng thời để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong thời gian tới tỉnh sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, đặc biệt ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thôi việc theo diện sắp xếp, tổ chức lại và theo nguyện vọng, theo đó các đối tượng thuộc diện trên sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần ngoài các chế độ theo quy định hiện hành.

Ông có thể nói rõ hơn các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở Đồng Nai?


Nội dung Kế hoạch của Tỉnh ủy bám sát các nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tình hình thực tế của tỉnh Đồng Nai.

Trong kế hoạch, Tỉnh ủy đưa ra 6 quan điểm chỉ đạo để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh đặt nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển của địa phương; giữ vững nguyên tắc tổ chức, kỷ cương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, cùng với đó phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao từ nội bộ, không để các thế lực xấu chống phá, chia rẽ.

Mục tiêu chung của kế hoạch đó là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, cơ cấu phù hợp đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, kế hoạch đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chung mang tính định hướng để các đơn vị, địa phương thực hiện, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị của tỉnh; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác; tổ chức thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy tinh gọn, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý; tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Đặc biệt, trong khi chờ quy định khung của Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ, tỉnh quy định khung biên chế thành lập tổ chức và số lượng cấp phó, cụ thể số lượng biên chế để thành lập phòng (ban) trực thuộc các cơ quan khối đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tối thiểu là 5 biên chế, đối với cơ quan khối Nhà nước tối thiểu là 8 biên chế; đối với các phòng không đủ biên chế để bố trí hoặc chức năng, nhiệm vụ có tính chất tương đồng thì xem xét sáp nhập; phòng có số lượng từ 8 biên chế đến 10 biên chế bố trí 1 phó trưởng phòng, từ 11 biên chế trở lên bố trí 2 phó trưởng phòng.

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp chung, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho hệ thống tổ chức của Ðảng; hệ thống tổ chức của Nhà nước; hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng.

Trong đó: Ðối với hệ thống tổ chức của Ðảng có 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc cấp ủy các cấp, chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ các cơ quan tham mưu cho cấp ủy đảng các cấp và xây dựng, thực hiện một số đề án như Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung (kế toán, thủ quỹ, lưu trữ, lái xe, phục vụ) đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; đề án hợp nhất Văn phòng cấp uỷ với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện…; thực hiện nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện; trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ huyện, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra huyện; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện ở những nơi đủ điều kiện…

Đối với hệ thống tổ chức Nhà nước có 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành, giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành, giảm quy mô bộ phận hỗ trợ, phục vụ; thực hiện hợp nhất Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung; đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở các lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tăng cường thực hiện kiêm nhiệm công việc ở cấp xã, ấp (khu phố); kiện toàn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo đúng tiêu chuẩn quy định; sáp nhập các ấp, khu phố chưa đủ điều kiện theo quy định.

Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúngcó 6 nhiệm vụ, giải pháp tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng khắc phục hành chính hóa, tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tinh giản, hợp lý hóa bộ máy nội bộ từng cơ quan, tổ chức; hoàn thiện các chế độ về quản lý, sử dụng kinh phí; quản lý chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các hội quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ kinh phí, tuân thủ pháp luật…

Trân trọng cảm ơn ông.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Bình Dương quyết tâm đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị
Bình Dương quyết tâm đổi mới, tinh gọn hệ thống chính trị

Được sự phân công của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, bà Nguyễn Minh Thủy - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bình Dương về kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN