Kiểm điểm, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Quy định này quy định về nguyên tắc và những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm được áp dụng đối với các tập thế lãnh đạo, quản lý bao gồm Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các ban đảng ở Trung ương và địa phương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; cấp ủy cơ sở; Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các ủy ban của Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập thể lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội; thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập thể thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ban thường vụ đoàn thể chính trị- xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và ban chấp hành cấp cơ sở; Tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

Đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cũng thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hàng năm.

Một cuộc họp của Ban Bí thư hồi tháng 2/2018. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Xếp loại chất lượng theo 4 mức


Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những thành tích nổi bật để phát huy, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục.

Kết quả kiểm điểm sẽ được xếp loại chất lượng theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành nhiệm vụ.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu có đơn vị trực thuộc xảy ra các vụ, việc tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

Chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng); Tập thể lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật hoặc có trên 20% số đơn vị trực thuộc bị kỷ luật trong năm cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, tập thể lãnh đạo, quản lý bị xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ khi bị cấp có thẩm quyền đánh giá mất đoàn kết nội bộ; có thành viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý chỉ hoàn thành dưới 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm, các chỉ tiêu chủ yếu không đạt 100% (trừ trường hợp bất khả kháng); bị xử lý kỷ luật hoặc có thành viên bị kỷ luật trong năm.

Đối với cá nhân khi bị cấp có thẩm quyền đánh giá có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm, không hoàn thành 100% chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm; bị xử lý kỷ luật trong năm sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ phận, lĩnh vực mà mình trực tiếp phụ trách xếp loại "Không hoàn thành nhiệm vụ"; " hoặc cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp của mình liên quan tới tham ô, tham nhũng và bị xử lý kỷ luật theo quy định (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).

Cơ sở để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tập thể, cá nhân

Việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm được tiến hành trước khi tổng kết công tác năm của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Kết quả kiểm điểm là cơ sở để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tập thể, cá nhân; Kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại là căn cứ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để củng cố và phát triển các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; là cơ sở để thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đánh giá người đứng đầu và so sánh, đánh giá các tập thể, cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với các tổ chức, tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và tương đương trở xuống trước; sau đó sơ kết, rút kinh nghiệm sẽ tổ chức thực hiện đối với cấp tỉnh.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 8.3.2018 và thay thế các quy định trước đây về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

TTXVN/Báo Tin tức
Quán triệt các văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận
Quán triệt các văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận

Ngày 7/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN