Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh có chiều hướng phát triển tốt và đã hình thành nên vùng chuyên canh và đang trên đà chuyên môn hóa. Agribank chi nhánh Hóc Môn cũng tăng trưởng tín dụng kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giúp nông dân, doanh nghiệp làm giàu chân chính.
Anh Lê Trung Trực, chủ vườn kiểng Bảy Châu đang chăm sóc cây mai trên 200 triệu đồng. |
Ngân hàng Agribank chi nhánh Hóc Môn đã đẩy mạnh tín dụng kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Cụ thể, bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường như huy động vốn, cho vay, ngân hàng còn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ thẻ.
Ông Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hóc Môn cho biết: “Để phát triển dịch vụ thẻ trên địa bàn không phải chuyện dễ dàng. Bởi đa số các hộ dân nơi đây thuộc thành phần thuần nông, thích dùng tiền mặt hơn dùng thẻ nên rất e ngại tiếp cận sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, nhờ gắn kết chặt quan hệ với các hộ nông dân nên Agribank chi nhánh Hóc Môn đã thuyết phục được các hộ nông dân mở thẻ, đặc biệt là nông dân nuôi bò sữa”.
Agribank chi nhánh Hóc Môn đã ký kết mở được khoảng 3.5000 thẻ cho những người nông dân bán sữa tươi. Để có được kết quả này, ngân hàng đã thuyết phục các đại lý thu mua sữa của Vinamilk hỗ trợ. Hiện nay, tổng số thẻ chi nhánh phát hành đạt gần 34.700 thẻ với tổng số dư tiền gửi thanh toán phát hành thẻ là 84 tỷ đồng, dư nợ thẻ tín dụng là 752 triệu đồng.
Đến thời điểm 31/3/2015, tổng dư nợ của Agribank chi nhánh Hóc Môn đạt 2.081 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nội tệ đạt 2.076 tỷ đồng, dư nợ ngoại tệ đạt 250 USD. Đáng chú ý, dư nợ trung và dài hạn đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng từ 2% đến 7% so với năm 2014. Điều này cho thấy, tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp (DN), hộ nông dân đã có sự phục hồi và phát triển.
Công ty CP sản xuất XNK Inox Kim Vĩ - một khách hàng có những bứt phá ngoạn mục. Vừa qua, doanh nghiệp này đã vay của Agribank chi nhánh Hóc Môn hơn 110 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng và mua thêm máy móc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Hiện đầu ra của doanh nghiệp chủ yếu là thị trường trong nước như công ty Toàn Mỹ, Tân Á Đại Thành, các DN sản xuất ô tô, xe máy, xe đạp, đóng tàu, dụng cụ y tế, công nghiệp chế biến, nội thất…
Anh Lê Trung Trực, chủ vườn kiểng Bảy Châu cũng cho hay gia đình anh vừa vay vốn ngân hàng Agibank chi nhánh Hóc Môn 1 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh, phát triển thêm cây kiểng. Hiện nay, diện tích vườn của gia đình anh khoảng 5.000 m2, trong đó có khoảng 800 gốc mai và nhiều giống cây kiểng khác. Anh Trực cho biết: “Nhờ vốn vay của Agribank chi nhánh Hóc Môn nên gia đình đã tranh thủ mua được nhiều gốc mai quý về chăm sóc và bán ra thị trường vào dịp Tết”. Ngoài bán và cho thuê cây kiểng, anh Trực còn chăm sóc cây kiểng thuê. Hiện vườn anh đang chăm sóc thuê khoảng 400 gốc cây, giá chăm sóc 1 cây thấp nhất 500.000 đồng/năm và cao nhất hơn 5 triệu đồng/năm.
Hoạt động tín dụng của chi nhánh chiếm trên 60% thị phần cho vay nhưng theo ông Lê Văn Nam, do phải cạnh tranh với 14 ngân hàng thương mại khác trên địa bàn và tình hình kinh tế chung vẫn khó khăn nên lượng khách hàng vay vốn tại chi nhánh có giảm. Ngân hàng đã có những đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giúp nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Chính quyền có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN vì ngân hàng muốn cho vay nhưng DN tài sản thế chấp không đảm bảo, trong khi đó sản phẩm nông nghiệp có độ rủi ro cao. Vì thế, việc chính quyền xử lý kịp thời và hiệu quả những quy hoạch treo, dự án đầu tư dở dang; hỗ trợ, tìm kiếm nhà tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ dân… sẽ giúp nông dân ổn định đầu ra, phát triển kinh tế bền vững.