TS Trần Tiến Cường, một chuyên gia hàng đầu về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đánh giá, hơn 10 năm nay chúng ta vẫn cứ luẩn quẩn và rối về khái niệm cũng như về nhận thức về tập đoàn Kinh tế (TĐKT). Việc phát triển TĐKT cần dựa trên nguyên tắc thị trường và trên nhu cầu TĐKT của các doanh nghiệp. Tăng trưởng kháTheo báo cáo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) về “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững TĐKT tại Việt Nam, các TĐKT hoạt động chủ yếu theo hình thức công ty mẹ - công ty con và có các doanh nghiệp liên kết. Phần lớn các TĐKT có 2 cấp doanh nghiệp (chiếm 59% tổng số TĐKT), chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ (4%) có từ 4 cấp doanh nghiệp trở lên.
Công nhân làm việc ngày đầu năm mới tại Garco 10 ở Sài Đồng, Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt-TTXVN |
Kể từ năm 2005 đến nay, các TĐKT nhà nước tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất (15 vị trí trong top 20 doanh nghiệp, TĐKT lớn nhất Việt Nam). Các tập đoàn này giữ vị trí thống lĩnh theo ngành: 99% trong sản xuất phân bón, 97% trong khai thác than, 94% trong sản xuất điện, gas; 91% trong truyền thông; 88% trong lĩnh vực bảo hiểm.
Sau khi hình thành, các TĐKT đều có sự tăng trưởng khá ấn tượng về tất cả các chỉ tiêu. Về tổng tài sản, trước khi thành lập tập đoàn chỉ có 50% nhóm doanh nghiệp có mức tăng bình quân trên 10%/năm. Nhưng sau khi hình thành tập đoàn có đến 76% số tập đoàn có mức tăng trên 10%/năm, trong đó 46,2% số tập đoàn có mức tăng trên 20%. Các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu, doanh thu hay lợi nhuận và nộp ngân sách cũng có mức tăng trưởng tương tự.
Các TĐKT tư nhân những năm gần đây cũng đã tăng trưởng nhanh tài sản và vốn, dù vẫn rất nhỏ so với TĐKT nhà nước (tổng vốn của 8 TĐKT tư nhân lớn nhất chỉ bằng 15,5% tổng vốn của 8 TĐKT nhà nước). TĐKT tư nhân sử dụng vốn chủ sở hữu tốt và dường như đang phát triển biền vững hơn các TĐKT nhà nước.
Dựa trên nhu cầu nội tạiTuy nhiên, theo TS. Trần Tiến Cường, quan niệm TĐKT nhà nước ngoài kinh doanh còn nhiệm vụ xã hội, quốc phòng an ninh cần phải thay đổi. Đã là tập đoàn chỉ có nhiệm vụ kinh doanh. “Không nên hô hào phát triển TĐKT, rồi trao đặc quyền, đặc lợi để khuyến khích.
Nên để thị trường tự vận động, khi các DN phát triển tới mức đủ lớn sẽ thành tập đoàn. Nhà nước chỉ đứng ngoài kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro tới nền kinh tế do các tập đoàn tạo ra, chống độc quyền... Có gỡ được lý luận về tập đoàn mới có cơ may giải quyết được mớ rối về TĐKT, tổng công ty Nhà nước.”, ông Cường nói.
Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN của CIEM cho rằng, vì chưa có một định nghĩa rõ ràng về tập đoàn, nên dẫn tới tình trạng lộn xộn, thậm chí chạy đua thành tập đoàn. Thậm chí, có tập đoàn là thành viên của Hiệp hội DN nhỏ và vừa... nhưng thực tế số vốn chỉ vài tỷ đồng, thậm chí mới bắt đầu kinh doanh, ông Dũng nói.
TĐKT nhà nước lâu nay quá coi trọng quy mô, hoạt động đa ngành nghề mà không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi; vượt quá năng lực tài chính, quản trị... Kết cục, hiệu quả hoạt động của nhiều TĐKT nhà nước chưa tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ. Nhiều TĐKT nhà nước tham gia vào lĩnh vực rủi ro (như tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm), gặp khó khăn trong quản lý, giám sát khi thị trường có biến động mạnh.
Do đó, nhóm nghiên cứu của Báo cáo đề xuất, cần hướng tới việc thành lập TĐKT dựa trên nguyên tắc thị trường, dựa trên nhu cầu nội tại của các DN. Với TĐKT nhà nước, phải tái cơ cấu hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn; thiết lập và vận hành hệ thống giám sát; Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu với tư cách một nhà đầu tư; áp dụng nguyên tắc, kỷ luật thị trường với tất cả các tập đoàn...
Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, Nhà nước đang cùng lúc làm 3 vai trò: Xây dựng chính sách, chủ sở hữu doanh nghiệp (DN) và giám sát. Do đó, các bộ làm chính sách cũng là làm cho mình, thường chỉ giám sát người khác còn mình thì không. “Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đang mâu thuẫn với chính mình. Vì thế, trật tự thị trường không được quản lý, không cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dư địa cho địa tô, cho lợi ích nhóm." - ông Cung bày tỏ.
Để hạn chế tình trạng lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau” trong các TĐKT, DNNN, theo ông Cung là phải thị trường càng nhiều càng tốt. Đồng thời thiết lập thế cân bằng quyền lực, giám sát được những người đại diện chủ sở hữu, những người quản lý để họ luôn luôn trung thành, trung thực và không lạm dụng quyền lực.
Thúy Hiền