Ngành Thủy sản tái cơ cấu để phát triển bền vững-Bài cuối: Tái cơ cấu ngành - việc cần làm ngay

Thời gian dài phát triển có kết quả ấn tượng nhưng ngành thủy sản Việt Nam đang bộc lộ những nhược điểm lớn đòi hỏi sự thay đổi, điều chỉnh kịp thời. Sự “thay máu” lần này sẽ gắn chặt với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chung theo chiều sâu, hiệu quả.

 

Cấp thiết chuyển đổi


Đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ngành nông nghiệp đang tính toán, tái cơ cấu lại ngành, trong đó thủy sản được ưu tiên, coi trọng hàng đầu. Hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã xây dựng, trình chính sách đặc thù khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong thủy sản, chính sách đặc trưng khuyến khích đầu tư vào chế biến, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản đặc biệt là cá tra, tôm, nhuyễn thể...

 

Tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu lao động, ngành thủy sản đang được kỳ vọng có sự chuyển đổi thành công trong tương lai.

 

“Khó khăn đang bủa vây ngành nhưng nhìn từ góc độ phát triển, đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) tự thay đổi để phát triển, hiện đại hóa quản lý tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực tế từ những năm 2008, chúng tôi đã ý thức thay đổi mô hình để tồn tại bền vững nhưng tiến trình rất chậm chạp. Đây là cơ hội giúp ngành tái cơ cấu một cách triệt để và toàn diện hơn”, ông Nguyễn Hữu Dũng, P.chủ tịch Hiệp hội chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.


Trước thực trạng toàn chuỗi sản xuất thủy sàn có nguy cơ bị thu hẹp và đình đốn, giá giảm... ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ DN mà còn gây hiệu quả dây chuyền làm sụp đổ cả chuỗi sản xuất, theo các chuyên gia kinh tế, trước khi “trời cứu”, ngành cần chủ động chuyển đổi sâu rộng từ khâu chế biến, vận hành đến những công đoạn nhỏ trong toàn chuỗi giá trị.

 

Các DN phải là người đóng vai trò quyết định trong những khâu vận hành trong chuỗi như: sản xuất con giống, thức ăn nuôi, nuôi, chế biến, xuất khẩu và phân phối theo hướng linh động dưới sự điều tiết của thị trường, hạn chế ách tắc mâu thuẫn giữa các khâu. Tất cả các hoạt động trên đều nhằm mục đích tăng giá trị cho mặt hàng thủy sản và được “chung sức” từ chính bản thân mỗi DN, cho đến tổ chức các ngành hàng; từ xây dựng những mối liên kết đến phát triển thị trường được dựa trên hệ thống pháp luật hỗ trợ.


Nhằm giúp các DN bứt phá khỏi mô hình quản lý cũ, định hướng xây dựng hệ thống quản lý mới phù hợp với điều kiện thực tế, ngành thủy sản đang tập trung xây dựng lại hệ thống quản lý mới nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Trước đó, Vasep đã tổ chức trang bị những kiến thức quản lý hiện đại về khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần, chế biến... sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi, nhà cung cấp thức ăn và DN chế biến xuất khẩu.

 

“Chúng tôi đang tiến hành hỗ trợ quá trình tái cơ cấu chuỗi sản xuất thủy hải sản cũng như tham gia với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xây dựng giá sàn mua cá nguyên liệu nhằm đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 5% cho người nuôi; từng bước thiết lập chuỗi giá trị hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế cao về phát triển bền vững, giúp DN chủ động tái cơ cấu, khép kín toàn chuỗi sản xuất cũng như áp dụng những công nghệ tiên tiến vào quản trị...”, ông Dũng nói thêm.

 

Chính phủ“cầm chịch”


Năm 2012, ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD và đến năm 2015, con số sẽ tăng lên 8 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản phải thành công trong quá trình tái cơ cấu ngành hàng mình và muốn được như vậy, vai trò “nhạc trưởng” của các ngành chức năng, nhà quản lý là đặc biệt quan trọng. Cụ thể, Chính phủ cần có những bước đi mang tính đột phá trong đổi mới về thể chế và quy định cũng như sớm rà soát, loại bỏ các quy định thể hiện lợi ích cục bộ gây cản trở quá trình hoạt động của DN... “Ngoài ra cũng cần nâng cao trình độ của các cơ quan và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong nỗ lực giảm bớt khó khăn cho DN trong quá trình tái cơ cấu. Các ngân hàng cũng có việc làm cụ thể chia sẻ khó khăn với DN qua những động thái kết hợp chặt chẽ hơn trong việc khoanh nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn những khoản vay phù hợp...”, đại diện Công ty Vĩnh Hoàn cho hay.


Tại cuộc họp của ngành thủy sản được tổ chức mới đây ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên gợi ý, ngành thủy sản nên cùng với Chính phủ nghĩ ra những phương thức mới để nâng cao chuỗi giá trị của ngành. Bên cạnh đó các DN nhanh chóng tiếp thu và chuyển hóa thành những kiến nghị để Chính phủ có những điều chỉnh hợp lý cũng như liên kết chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ quyền lợi, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ xây dựng thương hiệu... “Chính phủ đã xác định việc tái cơ cấu ngành không chỉ chú trọng vào tăng giá trị xuất khẩu mà cần phải tính đến nhiều yếu tố liên quan đến chuỗi hoạt động, phát triển bền vững của ngành hàng đó. Hiện Chính phủ đã xác định 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển; Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô... Theo tôi đây là cơ hội cho nền kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng trong việc chuyển dịch đạt hiệu quả kinh doanh bền vững trong tương lai”, ông Biên kết luận.

Bài và ảnh:Lê Nghĩa


 

Ngành Thủy sản tái cơ cấu để phát triển bền vững-Bài 2: Nỗ lực tìm lối vượt khó
Ngành Thủy sản tái cơ cấu để phát triển bền vững-Bài 2: Nỗ lực tìm lối vượt khó

“3 thách thức lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay là: Tính bền vững của từng ngành hàng chưa cao, đặc biệt là liên kết chuỗi, quản lý chất lượng, rào cản thương mại gia tăng và công tác quảng bá, tiếp thị hình ảnh chưa hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên nhận xét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN