“3 thách thức lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay là: Tính bền vững của từng ngành hàng chưa cao, đặc biệt là liên kết chuỗi, quản lý chất lượng, rào cản thương mại gia tăng và công tác quảng bá, tiếp thị hình ảnh chưa hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên nhận xét.
Xuất khẩu tiếp tục tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 5 tháng đầu năm 2012 giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2011.
Chuyển cá tra nguyên liệu đi chế biến. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, xét về mặt giá trị, đây là con số khả quan nhưng thực tế trước những bất cập khách quan lẫn chủ quan, lợi nhuận của ngành đang giảm đi thấy rõ. “Điều này thể hiện ở con số doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất khẩu đang giảm hẳn đi trông thấy. Chỉ tính hơn 5 tháng qua, số DN đã giảm 40%, chỉ còn khoảng 430 đơn vị đang cầm cự hoạt động kinh doanh. Hầu hết số DN trên thuộc lĩnh vực thương mại với doanh số rất thấp, sức ảnh hưởng không nhiều. Trong khi đó, kim ngạch của những DN lớn đang có sự tăng trưởng khả quan”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết.
Chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu, các mặt hàng hải sản chủ lực đang có sự tăng trưởng cao (18-26%) hơn mức trung bình của toàn ngành và đặc biệt, cao gấp 3-4 lần so với những nhóm hàng có nguồn gốc nuôi trồng như tôm, cá tra… Đây là ngành có sự tham gia đông đảo của các DN làm xuất khẩu hải sản vừa và nhỏ với tiềm lực vốn không lớn đang gặp nhiều vướng mắc do tác động khó khăn chung của nền kinh tế. Riêng tôm Việt Nam được xem là sản phẩm chủ lực của xuất khẩu thủy sản, khi mỗi năm mang về cho ngành hơn 2 tỷ USD. Dự báo, trong năm 2012 xuất khẩu tôm có thể đạt sản lượng 550.000 tấn, tương đương giá trị khoảng 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 35% mục tiêu toàn ngành đề ra. Tuy nhiên, hiện ngành đang đối mặt với những lo toan từ con giống, nguồn nguyên liệu và mối nguy nhiễm hóa chất kháng sinh.
Khẩn trương tiếp sức doanh nghiệp
Trong một động thái giúp các DN ngành thủy sản tháo gỡ khó khăn về vốn, mới đây Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đưa tín hiệu sẵn sàng tham gia giải quyết khó khăn về vốn theo quy định hiện hành để DN thủy sản phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm… Theo đó, mức cho vay được xem xét theo quy định của Nhà nước trên cơ sở DN cần phải có vốn đối ứng, vốn tự có trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh. Thời hạn cho vay phù hợp với chu trình sản xuất – xuất khẩu sản phẩm trên nguyên tắc rút ngắn tối đa để luân chuyển vốn cho những DN khác vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của Bộ Tài chính. “Ngân hàng hỗ trợ trước hết đối với DN đang hoạt động sản xuất, xuất khẩu bình thường. Trường hợp DN đang tạm thời khó khăn về vốn lưu động, ngân hàng có thể xem xét cho vay dòng tiền mới, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền luân chuyển cho hoạt động”, ông Hòe nói thêm.
Dù xuất khẩu khó khăn về thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang tự tin vào sự phát triển của đơn vị mình (ảnh chụp tại Công ty Baseafood tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Lê Nghĩa |
Hiện ngành nông nghiệp đang vận động DN kết hợp với trại giống, người nuôi, chủ động đầu tư kỹ thuật và nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực lai tạo con giống, từng bước đảm bảo được chất lượng giống tốt sạch bệnh, cho năng suất và chất lượng cao. Trước đó, Vasep đã tổ chức khảo sát và có báo cáo về tình hình nuôi tôm sú, thẻ chân trắng, đề xuất với ngành chức năng có chương trình qui hoạch vùng nuôi hợp lý nhằm ổn định sản lượng và chất lượng nguyên liệu. Ở một động thái khác, ngành thủy sản đang thực hiện các phim về chuỗi sản xuất cá tra, từ nuôi đến chế biến xuất khẩu, mang thông điệp cá tra Việt Nam được kiểm soát chất lượng, thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội; Liên kết với những hộ nuôi thông qua hoạt động ký kết thỏa thuận, cam kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm… nỗ lực cùng quản lý được chất lượng thủy sản theo quy trình khép kín.
Nhằm giảm bớt chi phí do các thủ tục hành chính, Vasep vừa kiến nghị ngành chức năng thay đổi cách tiếp cận kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế. Cụ thể, không bắt buộc DN phải có Chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu và hạn chế áp dụng những biện pháp xử lý vi phạm mang tính trừng phạt; Cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và những yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay… “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất 2 gói tín dụng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với tổng kinh phí khoảng 4.400 tỷ đồng; Trong đó, dành 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN thu mua nguyên liệu và 2.400 tỷ đồng tiếp sức cho DN nuôi cá tra với thời hạn vay 4-6 tháng, đồng thời đề nghị Nhà nước hỗ trợ lãi suất chênh lệch ước tính khoảng 80 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hữu Dũng Phó Chủ tịch Vasep cho hay.
Lê Nghĩa
Bài cuối: Tái cơ cấu ngành - Việc cần làm ngay