Việt Nam có khoảng gần 3 triệu lao động thu gom rác thải phi chính thức.
Ngày 21/2, với sự tài trợ của Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (Global Plastic Action Partnership GPAP), công ty cổ phần VietCycle (VietCycle) đã tổ chức Chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và quản lý tài chính cho 100 lao động thu gom, phân loại rác thải nhựa tại TP Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động chính trong khuôn khổ dự án “Tiếp sức chiến binh xanh” hướng đến bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp cho Việt Nam.
Việt Nam hiện có gần 3 triệu lao động thu gom rác thải phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị tái chế nhựa. Họ là những người đầu tiên tiếp cận và phân loại rác tái chế, giúp giảm áp lực lên các bãi chôn lấp và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, phần lớn những người lao động chưa được đào tạo bài bản về phân loại rác hiệu quả và họ cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý thu nhập, tiết kiệm và tiếp cận các dịch vụ tài chính. Vì vậy, dự án “Tiếp sức chiến binh xanh” đã và đang tổ chức các chương trình tập huấn cho các lao động ve chai tự do, công nhân lao động tại các làng nghề tái chế và các chủ vựa phế liệu để họ hiểu và biết phân loại rác thải nhựa ngay khi thu gom.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quế Lâm, chuyên gia về quản lý chất thải rắn cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, nhưng chỉ có 27% trong số đó được tái chế hoặc tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa vẫn còn nhiều hạn chế, khi đến 90% rác thải nhựa bị xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.
Theo bà Nguyễn Thị Quế Lâm, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế. Lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 8 - 12% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% trong số đó được xử lý và tái chế, phần còn lại chủ yếu được chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường. Điều này có thể dẫn đến những thảm họa môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, việc tổ chức các chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ thu gom rác thải nhựa sẽ giúp phân loại và thu gom rác nhựa ngay từ nguồn, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác phân loại rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường bền vững hơn.