Đây được là con số thách thức nhưng khả thi trong bối cảnh thị trường tăng trưởng và định hướng hoạt động của FICO tập trung hơn và các lĩnh vực cốt lõi.
Kết quả kinh doanh tích cực
Trong 9 tháng đầu năm nay, FICO là một trong số ít các doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục công bố các con số tăng trưởng kinh doanh ấn tượng. Doanh thu của FICO ước đạt 5,437 tỷ đồng và dự kiến cả năm đạt 7,347 tỷ đồng. Với doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận của công ty được kỳ vọng tăng lên từ 128 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm lên 179 tỷ đồng cho cả năm 2016.
FICO tiếp tục đề ra mục tiêu kinh doanh cho giai đoạn 2017-2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 9%/năm; phấn đấu đến năm 2020 doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ/vốn chủ sở hữu đạt trên 9% và tỷ lệ cổ tức trên 7%.
Để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ, FICO đã có các giải pháp trung và dài hạn để tận dụng và phát huy hết thế mạnh của mình. Theo đó, FICO sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm của Tổng công ty.
Đối với lĩnh vực xi măng, song song với triển khai đầu tư dây chuyền 2 - Nhà máy xi măng Tây Ninh, FICO sẽ tiến hành nhanh công tác đầu tư chiều sâu, nâng công suất các trạm nghiền hiện hữu để chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm; đầu tư bộ phận Logistics để chủ động điều tiết sản lượng clinker, xi măng đến các hộ tiêu thụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan để triển khai việc đầu tư theo hướng M&A để mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường xi măng trong nước, giảm bớt áp lực cạnh tranh trong tương lai.
Bên cạnh đó, FICO sẽ khẩn trương thực hiện công tác thoái vốn 100% tại các đơn vị như Công ty CP Sứ Thiên Thanh, Công ty CP Khoáng sản và Tư vấn Đầu tư FICO, Công ty Chứng khoán Sen vàng, Công ty TNHH căn hộ vườn phố Việt Nam, Công ty CP BT 20 Cửu Long… Việc thoái vốn thể hiện hướng đi của Tổng công ty nhằm tái cấu trúc về tài chính, tập trung nguồn tài chính thực hiện chiến lược đầu tư phát triển Tổng công ty. Thông qua việc thoái vốn, FICO sẽ chủ trì kiểm soát dòng tiền, phân phối các nguồn lực có hiệu quả, đồng thời chỉ đạo thường xuyên tái cấu trúc tài chính tại các đơn vị thành viên đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực tài chính.
Sự ủng hộ của thị trường
Ngành xi măng chính là một trong những lĩnh vực phát triển cốt lõi của FICO. Xi măng cũng là lĩnh vực đem lại doanh thu lớn nhất cho FICO thông qua công ty con là FICO Tây Ninh (Tafico). Đây là thương hiệu xi măng chiếm 12% thị phần tại thị trường phía Nam với doanh thu từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, 9 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ toàn ngành xi măng đạt hơn 55 triệu tấn, trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 43,5 triệu tấn. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường bất động sản với hàng loạt dự án tiếp tục được triển khai xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định tại thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước. Theo Hiệp hội xi măng, giá tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa vẫn tương đối ổn định, chấp nhận được với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Với mức tiêu thụ này, khả năng tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa đến hết năm 2016 sẽ đạt khoảng 60 triệu tấn.
Có thể nói thị trường xi măng tiềm năng cũng là điều kiện để đảm bảo cho nguồn doanh thu của FICO trong giai đoạn thử thách sắp tới. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của thị trường, hay chính các nhà đầu tư chính là động lực để FICO tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đợt chào bán cổ phần ra công chúng vừa qua, có thể thấy phần nào sự quan tâm của thị trường với cổ phiếu FICO.
Ngày 19/8/2016, tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của FICO, 25 triệu cổ phần chào bán (tương đương 19,69% vốn điều lệ) của FICO đã được đã bán hết cho 45 nhà đầu tư cá nhân với mức giá đấu thành công bình quân là 10.502 đồng/cổ phần, tổng giá trị công ty thu về đạt hơn 262 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức giá cao nhất trúng lên tới 16.800 đồng/cổ phần, cao hơn giá trúng bình quân 60%, khối lượng đặt cao nhất trong đợt đấu giá là 5,3 triệu cổ phần, khối lượng đặt thấp nhất là 100 cổ phần.
Đặc biệt, trong năm tới FICO sẽ tiến hành thực hiện các bước niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch sau khi chuyển thành công ty cổ phần. Việc niêm yết cổ phiếu sẽ là cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư từ thị trường, tạo thêm nguồn lực tài chính dồi dào cho các dự án phát triển của FICO, hỗ trợ FICO hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
FICO có vốn điều lệ 1.270 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, với 3 nhà máy và 2 xí nghiệp sản xuất xi măng, đồng thời khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản, đầu tư thi công và xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, kinh doanh phát triển nhà và kinh doanh bất động sản. FICO dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.540 tỷ đồng trong 5 năm tới, trong đó tập trung chủ yếu đầu tư sản xuất xi măng với 4.000 tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (Khu nhà ở phức hợp Phan Huy Ích và Nhà ở xã hội quận 2) với tổng số tiền là 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FICO cũng chi 770 tỷ đồng đầu tư khai thác khoáng sản, 270 tỷ đồng cho vật liệu không nung và 400 tỷ đồng cho các vật liệu xây dựng khác (Nhà máy gạch, đơn vị khai thác mỏ…). Lợi nhuận ròng FICO đặt ra cho các năm từ 2016 đến 2020 lần lượt là: 59,53 tỷ đồng (2016), 67,32 tỷ đồng (năm 2017), 94,17 tỷ đồng (2018), 110,94 tỷ đồng (2019) và 116,59 tỷ đồng (2020). Cùng với đó, FICO dự kiến tăng tỷ lệ cổ tức từ mức 4,5% trong năm 2016 lên mức 8,7% năm 2020. |