Cuối tháng 5/2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh, số người nhiễm bệnh tăng lên hàng ngày, các bệnh viện dã chiến được thành lập liên tục, lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc liên tục ngày đêm, Thành phố phải thành lập các chốt kiểm soát, huy động nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch 24/24.
Chứng kiến sự vất vả, thiếu thốn của những người trực tiếp tham gia chống dịch, doanh nhân Lư Nguyễn Xuân Vũ, đã quyết định dồn lực cho hoạt động từ thiện, hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và cả những người đi cách ly tập trung.
“Bếp yêu thương” được Công ty Xuân Nguyên tổ chức từ trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày cung cấp khoảng 200 suất ăn từ thiện cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện ở khu vực Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú…bắt đầu tăng công suất lên gấp 3 lần, mỗi ngày nấu 600 phần cơm, vừa duy trì suất ăn cho bệnh nhân khó khăn vừa hỗ trợ cho các lực lượng làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát.
Trong những ngày trực tiếp đi giao cơm, nhận thấy nhiều nhân viên y tế, lực lượng trực chốt chống dịch làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm, bất kể mưa, nắng khiến nhiều người kiệt sức, anh Vũ nghĩ ra ý tưởng chế biến nước uống có thể bù đắp năng lượng, giúp họ tăng sức đề kháng.
Có lợi thế của một doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong, mỗi ngày anh Vũ cùng các anh chị em tình nguyện của công ty mua thêm các nguyên liệu rồi pha chế, đóng chai và chuyển hơn 5.000 chai nước mật ong - chanh - sả - gừng gửi tặng cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến, các F0 điều trị ở các bệnh viện dã chiến, trong các khu cách ly trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Nhận được phản hồi tốt, anh Vũ tiếp tục phối hợp với Công đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tặng nước mật ong - chanh - sả - gừng cho khu cách ly tại thành phố Thủ Đức và gửi tặng cho lực lượng phòng, chống dịch ở quê nhà, tỉnh Bến Tre. Không dừng lại ở đó, vào giai đoạn số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố tăng cao, các bệnh viện dã chiến quá tải và ngành y tế chuyển sang chiến lược điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà, anh Vũ cùng Ban lãnh đạo Công ty Xuân Nguyên còn trực tiếp tặng túi thuốc cho F0 cách ly tại nhà.
Chia sẻ về việc bất đắc dĩ “đá sân” qua sản phẩm y tế, anh Vũ cho biết: Thời điểm đó, số lượng F0 mắc mới mỗi ngày của Thành phố lên tới 3.000 -5.000 người, ngành y tế đã huy động hết nguồn lực vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu thuốc cho bệnh nhân tại nhà. Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố đã vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ 10.000 túi thuốc F0, nhưng khi phân bổ về các quận, huyện thì không đủ.
“Khi đã phát hết số túi thuốc được Hiệp hội doanh nghiệp chuyển về nhưng điện thoại hỗ trợ F0 tại nhà ở huyện Bình Chánh vẫn liên tục nhận được cuộc gọi của bệnh nhân nhờ hỗ trợ túi thuốc. F0 ở nhà thường phải cách ly cả gia đình và nhà họ cũng nằm trong khu vực phong tỏa, dù có tiền hay không cũng không thể tự mình đi mua thuốc được. Trong khi đó, với người bệnh điều trị tại nhà, túi thuốc quan trọng không kém gì đồ ăn, thức uống. Nếu được hỗ trợ thuốc điều trị kịp thời thì khả năng chuyển biến nặng sẽ giảm đáng kể, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn”, doanh nhân Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.
Nghĩ là làm, sau khi liên hệ với Trung tâm y tế dự phòng huyện Bình Chánh và được các bác sĩ tư vấn, anh Vũ tìm nhà cung cấp và huy động nhân viên, tình nguyện viên bắt tay ngay vào việc phân chia, đóng gói túi thuốc để hỗ trợ kịp thời cho F0. Đợt đầu tiên, Công ty Xuân Nguyên làm 2.500 túi thuốc nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã phát hết, đợt 2 làm thêm 4.000 túi thuốc nữa nhưng vẫn chưa phủ hết số F0 cần thuốc. Anh Vũ vận động một số bạn bè là doanh nhân, tiếp tục thực hiện đợt 3 với 2.500 túi thuốc nữa.
Trong 4 tháng dồn lực để chăm lo cho lực lượng phòng chống dịch và những người không may nhiễm bệnh, tập thể lãnh đạo và nhân viên Công ty Xuân Nguyên đã trao đi hơn 400.000 chai nước mật ong - chanh - sả - gừng, hơn 16.000 phần mật ong các loại, 60.000 suất cơm, 9.000 túi thuốc F0 cùng nhiều phần quà là các túi an sinh cho người dân gặp khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre.
Đến hiện tại, hoạt động hỗ trợ suất ăn, nước uống, mật ong cho lực lượng phòng chống dịch vẫn được Công ty Xuân Nguyên duy trì hàng ngày nhưng số lượng đã giảm xuống do số người cần được hỗ trợ giảm, nhiều chốt kiểm soát đã được tháo dỡ. Anh Vũ cho biết, cảm thấy vui mừng mà nhẹ lòng khi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, Thành phố từng bước mở cửa để khôi phục các hoạt động sinh hoạt, sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Cũng là lúc doanh nghiệp quay lại tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng Thành phố thực hiện chiến lược khôi phục kinh tế.
“Nếu doanh nhân chỉ lo làm từ thiện mà không lo phát triển doanh nghiệp thì không thể làm từ thiện lâu dài. Nhưng ngược lại, doanh nhân chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận mà không gánh vác trách nhiệm với xã hội thì chưa đủ, bởi lợi nhuận của doanh nghiệp cũng là do người tiêu dùng cùng đóng góp. Để phát triển bền vững, ngoài việc tái đầu tư, tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng thì doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lại cho xã hội bằng cách hỗ trợ cộng đồng trong những lúc nguy khó.”, đó là tâm niệm cũng là động lực để doanh nhân Lư Nguyễn Xuân Vũ và những nhân viên của mình bền bỉ tổ chức các hoạt động thiện nguyện, bất chấp những rủi ro ngay tại tâm dịch.
Chia sẻ về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, độig ngũ doanh nhân nói riêng trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba) cho biết, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tạo nên cuộc khủng hoảng chưa từng có trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Ở mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp phải vật lộn với hàng loạt vấn đề để có thể duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian giãn cách xã hội, cũng không ít doanh nhân ngậm ngùi chấp nhận đóng cửa nhà máy.
"Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng trong suốt nhiều tháng qua, doanh nghiệp, doanh nhân TP Hồ Chí Minh luôn xác định: Chỉ khi xã hội được an toàn thì doanh nghiệp mới an toàn sản xuất và phát triển được. Do đó, doanh nghiệp đã dốc hết sức mình, mang phần lớn các nguồn lực còn lại để chung tay cùng Thành phố chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, cộng đồng", ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.
Không chỉ đóng góp tiền của, trang thiết bị phục vụ tuyến đầu chống dịch, nhiều doanh nhân còn trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện, tận tay đi trao từng suất cơm, phần nước, túi thuốc cho F0 chỉ với mong muốn góp phần tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu và người dân Thành phố vượt qua đại dịch.