Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 94% doanh nghiệp trên cả nước đang lâm vào tình trạng khó khăn vì dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp hiện chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 5 – 10% công suất. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết, họ chỉ có thể trụ đỡ thêm trong vòng từ 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện và nền kinh tế không từng bước được "mở cửa".
Đồng cảm và chia sẻ với nỗi lòng, với thực trạng của các doanh nghiệp, trong buổi làm việc và gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận sức chống chịu kiên cường không chỉ của các doanh nghiệp, mà kể cả không ít hộ kinh doanh đã và đang gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động; thậm chí phải chấp nhận hy sinh, mất mát và thiệt hại to lớn trước những tác động khốc liệt mà dịch bệnh gây ra.
"Đây là lúc có thể coi là thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết. Như những câu mà chúng ta đã thuộc nằm lòng: "Thắng không kiêu, bại không nản" và "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Dù thế nào, chúng ta vẫn có niềm tin về nền tảng kinh tế vĩ mô còn rất tốt. Tin rằng những khó khăn dù tới đâu đi nữa cũng chỉ là những khó khăn trước mắt và tạm thời. Với truyền thống đoàn kết và tinh thần vượt khó, kiên cường của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta tin sẽ vượt qua những khó khăn để tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ngừng kinh doanh hoặc phải giải thể, tăng hơn 24% so với năm 2020, thực sự là những con số khiến bất kỳ ai cũng phải quan ngại và lo lắng. Bất chấp quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ; bất chất lĩnh vực ngành nghề và mô hình hoạt động kinh doanh, bất kỳ doanh nghiệp nào nằm trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hay chuỗi vận chuyển trong chu trình vận hành của nền kinh tế cũng đều bị ảnh hưởng và chịu những tổn thương mà dù là vài tháng hay 1 năm cũng khó có thể bù đắp và hồi phục kịp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã nhận định, đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài nên nhiều nước đã đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt với thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
Tại Việt Nam, cuộc chiến chống COVID-19 đang làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức; nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 phổ biến tình trạng doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền; tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã....
Theo ông Tấn Công, việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải; có nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa; tình trạng việc làm sẽ không được khôi phục và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nhân mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có cách làm đặc biệt; những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bởi, thường thì "trong nguy luôn có cơ” và những quốc gia nào sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp tại những quốc gia ấy sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Tấn Công nhấn mạnh.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại và hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tái khởi động sản xuất kinh doanh và phục hồi, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, việc các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, áp lực trong lưu thông kéo theo tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu nên đẩy giá vốn tăng cao, hàng hóa tồn đọng kéo dài và doanh nghiệp không bán được hàng. Nếu kéo dài tình trạng hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại.
Trong điều kiện "bình thường mới", cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông Tiền mong muốn chính quyền các địa phương sớm có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, xem xét chi phí logistic, cảng biển để tránh tình trạng tăng giá quá cao, đội gánh nặng lên doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi có các vấn đề vượt thẩm quyền địa phương thì đại diện các cấp, ngành cần nhanh chóng trình Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải được nghiên cứu, xây dựng làm sao đảm bảo tính trước mắt, lâu dài; nhưng phải được công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt cần có giải pháp đặc biệt, có đột phá, khác biệt nhưng phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh.
Hoàn thiện các chính sách pháp luật, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" và nhanh chóng khôi phục sản xuất, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những vấn đề còn là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, xử lý những chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… như tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu và trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Cùng với đó, xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19 giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thời cơ phục hồi. Theo ông Công, tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, nên việc xem xét nâng trần nợ công quốc gia là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.
Đại diện tiếng nói của cộng động doanh nghiệp, ông Công cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 3 - 5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo… Đồng thời, xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất so với mức hỗ trợ giảm 30% như hiện nay; giảm 50% mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong các năm 2021, 2022 cho doanh nghiệp. Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022 và xem xét giảm phí công đoàn doanh nghiệp phải nộp ở mức 50% so với quy định hiện hành.
Người đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng cho biết, một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng hưởng lợi để tránh cào bằng và có sự tham vấn rộng rãi ý kiến của doanh nghiệp là điều đang rất được mong mỏi vào lúc này. Mong rằng, Quốc hội, Chính phủ cần sớm có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động. Dòng người ồ ạt từ TP Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế phía Nam về quê có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ. Các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn về nguồn lực lao động trong giai đoạn 6 tháng tới đây, ông Công khuyến cáo. Do đó, cần sớm có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút và đào tạo lại lao động; đảm bảo giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận và có quy mô, có mức hỗ trợ phù hợp...
Hơn lúc nào hết, giờ lúc doanh nghiệp đang rất cần sự đồng hành, chung lưng đấu cật của Đảng, của Nhà nước trong công cuộc thúc đẩy sự tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế và tái thiết đất nước.