Chuẩn bị sẵn sàng cho lao động Việt Nam hội nhập

Dù đứng đầu tại Hội thi tay nghề ASEAN 2014, nhưng theo các chuyên gia, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp trong khu vực. Đặc biệt, lao động của Việt Nam còn thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể hội nhập. Đây thực sự là điều đáng lo ngại và đặt ra vấn đề phải có những sự đầu tư thích đáng cho hoạt động dạy nghề của Việt Nam.

Khó tuyển được lao động đúng yêu cầu

Tham gia phiên giao dịch việc làm mới đây, Công ty Cao su Hà Nội có nhu cầu tuyển mới 80 lao động. Thế nhưng, kết thúc phiên giao dịch, Công ty chỉ tuyển được khoảng 16 lao động (chiếm 20%). “Lao động tới tìm việc thì nhiều, nhưng phần lớn là học sinh, sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc và thiếu những  kỹ năng làm việc nhóm, làm việc tập trung. Do Công ty không có thời gian để đào tạo lại cho người lao động, nên chúng  tôi không tuyển những đối tượng này”, ông Nguyễn Mạnh Kiên, đại diện Công ty Cao su Hà Nội chia sẻ.

Cùng chung “cảnh ngộ” là ông Hoàng Dũng, phụ trách nhân sự của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long. “Công ty tôi rất có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng hầu hết lao động không đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng. Tình trạng này khá phổ biến. Đơn cử như trong năm 2014, công ty tôi cần tuyển 30 nhân sự trình độ cao đẳng nghề, công nhân kỹ thuật cao, nhưng không tuyển được vì khi kiểm tra thực tế thao tác thực hành đều không đạt, thậm chí  không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, chưa nói tới việc đọc các tài liệu bằng tiếng nước ngoài. Điều này rất “nguy hại” khi máy móc công nghệ hiện nay đều có hướng dẫn bằng tiếng Anh”, ông Hoàng Dũng cho biết.

Công nhân Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định. Ảnh: TTXVN


Cũng theo ông Hoàng Dũng, Công ty cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động nghề hàn theo công nghệ 6G, nhưng không lao động nào đáp ứng được. Hầu hết các lao động mới chỉ hàn được theo công nghệ 3G.

“Nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Nguyên nhân là do công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế”, ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết.

Nâng cao chất lượng

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Khi đó,  theo quy định của cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Đặc biệt, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

Đây sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam nếu chất lượng tay nghề được cải thiện. Tuy nhiên, như thực tế ở trên, thì lao động Việt Nam đang chưa “nắm bắt được cơ hội”. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra với ngành dạy nghề của Việt Nam là phải nhanh chóng có những sự đầu tư để nâng cao chất lượng của công tác dạy nghề.

“Để nâng cao chất lượng dạy nghề, quan trọng nhất là cần có cơ chế để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó sẽ hướng dẫn thực hành. doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể đào tạo nghề”, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ. Còn ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết: “ Một giải pháp đưa ra là dạy theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Cách làm này sẽ không chỉ đảm bảo đầu ra của dạy nghề, mà còn sát với thực tiễn của thị trường lao động. Nhà trường đã thành lập Trung tâm hợp tác với doanh nghiệp, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Khi đó, thời gian thực hành chiếm tới 70% giờ học để học sinh, sinh viên thành thực kỹ năng. Đồng thời, hướng tới chuẩn trường chất lượng cao, môn học ngoại ngữ được nhà trường coi trọng thông qua việc đưa giáo viên đi đào tạo nước ngoài, tạo môi trường để học sinh, sinh viên giao tiếp ngoại ngữ”.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ này đang đôn đốc các địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (TTDN) và trung tâm giáo dục thường xuyên, nhằm tổng hợp, thiết lập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý để trình Thủ tướng phê duyệt. Từ kết quả khảo sát tổng thể này, sẽ tính tới việc sát nhập những cơ sở hoạt động yếu kém, không chiêu sinh được, để qua đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề”, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. “Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 trong số các nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm...”, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết. Còn khảo sát của Tổ chức lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần).



Xuân Minh


Nhu cầu tuyển lao động gia tăng
Nhu cầu tuyển lao động gia tăng

Nhu cầu tuyển lao động tại các cơ sở sản xuất bắt đầu gia tăng từ cuối tháng 3, nhiều lao động ngoại tỉnh cũng tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN