CH Séc: Thị trường nhỏ - tiềm năng lớn

Với các sản phẩm dệt may, da giày của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thì CH Séc tuy là thị trường chỉ hơn 10,3 triệu dân nhưng tiềm năng lại rất lớn.

Đó là nhận xét của ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ông đang có mặt tại CH Séc, dẫn đầu đoàn doanh nghiệp gồm gần 20 người là thành viên của Hiệp hội Dệt May và Da giày, Hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Hà Nội.

Quang cảnh chung của hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)


Mục đích trước mắt của đoàn là tham gia Hội thảo Xúc tiến Thương mại Hà Nội - Séc ở Praha ngày 20/8 và Hội chợ Thời trang Quốc tế ở Brno từ 22 đến 24/8. Mục đích sâu xa hơn là phục vụ cho chương trình xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.

Đường vòng vào EU

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Hồng Thăng cho biết: "Ngành dệt may và da giày của Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt. Sắp tới còn nhiều cơ hội tốt hơn nhiều. trong đó có cơ hội với EU. Tuy vậy, không phải cứ ngồi chờ cơ hội mà chúng ta cần tích cực vận động. Một trong những vận động đó là chuyến đi xúc tiến thương mại tại CH Séc của đoàn doanh nghiệp Hà Nội".

"Chúng ta vào với EU song nhiều lúc không thể vào trực tiếp được mà qua thị trường của khối Đông Âu và Trung Âu. Hiện nay Séc là một trong những thị trường của một nhóm nước hiện tại gồm 4 quốc gia với khoảng 70 triệu dân, nằm trong EU. Sắp tới nhóm này sẽ có 6 quốc gia với 90 triệu dân cũng nằm trong EU. Chúng ta đi qua con đường của các nước Đông Âu, Trung Âu sẽ thuận lợi hơn. Về chất lượng chúng ta chưa đạt đỉnh của EU và về giá cả chúng ta cũng không đạt đỉnh của EU. Nhóm Vysehrad rất phù hợp với trình độ sản xuẩt và giá cả của Việt Nam", ông Thăng nhấn mạnh.

Tiếp xúc chung giữa doanh nghiệp Việt- Séc. Ảnh: Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)


Tuy nhiên, như ông Thăng thừa nhận, mục đích nói trên có đạt được hay không còn phụ thuộc vào quá trình tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng như ở CH Séc. Ông hy vọng, tiếp theo chuyến đi Séc của các doanh nghiệp Hà Nội là doanh nghiệp dệt may, da giày của nhiều địa phương khác của Việt Nam sẽ tìm được lối vào thị trường Đông Âu và Trung Âu.

Trao đổi "mặt đối mặt"


Chuyến đi lần này của đoàn Công Thương Hà Nội ngoài việc tìm kiếm khách hàng, đối tác nhập khẩu các sản phẩm dệt may còn là để tìm đối tác cung cấp nguyên phụ liệu dệt may cho Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất và xuất khẩu gia tăng hàng năm chúng tôi phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu.

Năm 2014 kim ngạch nhập khẩu vải của các doanh nghiệp Hà Nội ở mức hơn 662,5 triệu USD, nhập khẩu sợi -125,6 triệu USD, nguyên phụ liệu - 196 triệu USD. Chính vì lý do đó mà trong cuộc Hội thảo Xúc tiến Thương mại Hà Nội - Séc ở Praha phần để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi trực tiếp được chú trọng.

Bà Phạm Ngọc Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty dệt may Đông Xuân, là một người đắt hàng trong cuộc trao đổi "mặt đối mặt" với các doanh nghiệp Séc, cho biết: "Nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam vốn xuất phát điểm là gia công vì vậy sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào đối tác cả về mẫu thiết kế cũng như thị trường tiêu thụ. Và điều đó làm cho các doanh nghiệp có ít cơ hội để kinh doanh có hiệu quả. Công ty Đông Xuân có một lợi thế là có nhà máy dây chuyền khép kín, từ vải cho đến sản phẩm cuối cùng là may mặc...".

"Với việc tiếp cận thị trường Séc và Đông Âu thì chúng tôi nghĩ rằng việc mình chủ động mang hàng hóa đến với thị trường các nước tiêu dùng, dù chỉ là bước đầu với số lượng nhỏ, cũng sẽ là bước đi lâu dài để đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp các đối tác tiềm năng. Và điều đó cũng mang đến cho mình nhiều khả năng hơn là qua trung gian. Thông qua hội thảo chúng tôi không chỉ tiếp cận một chiều, tức chỉ có mình mang sản phẩm đến thị trường mà ngược lại, các đối tác nước ngoài, các nhà sản xuẩt cung cấp thiết bị, công nghệ dệt may cũng tiếp cận mình để bán công nghệ và thiết bị".

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)
CH Séc: Về sự can thiệp của chính khách đối với Ngân hàng Trung ương
CH Séc: Về sự can thiệp của chính khách đối với Ngân hàng Trung ương

Chính sách không củng cố đồng krona của Ngân hàng Trung ương Séc và sự can thiệp của các chính khách vào việc này đang là vấn đề được báo chí Séc quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN