Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, Nuiphao Mining luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, coi đó là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Trước khi chính thức đi vào hoạt động, Nuiphao Mining đã hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Trong quá trình chạy thử, ở một số thời điểm, việc xả thải, bụi, tiếng ồn khu vực nhà máy chế biến đã ảnh hưởng nhất định đến một số hộ dân ở khu vực xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng.
Một trong những ngôi nhà "kỳ dị" mới được xây dựng ở xóm 4, Hà Thượng để chờ đón đền bù dự án Núi Pháo. |
Trước nhiều ý kiến của nhân dân xã Hà Thượng, năm 2013, Công ty Nuiphao Mining đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện quy trình thu hồi đất, di dời dân tại khu vực xóm 3 và xóm 4 xã Hà Thượng để xây dựng các công trình phụ trợ, hành lang bảo vệ môi trường của dự án. Từ đó, ngày 8/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có thông báo số 2007 yêu cầu Công ty Nuiphao Mining phối hợp với UBND huyện Đại Từ và các sở, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng tiến hành công tác GPMB theo quy định, giám sát chặt chẽ hiện trạng xây dựng ở khu vực cần thu hồi đất… Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Công ty Nuiphao Mining đã lập phương án quy hoạch điều chỉnh và dự án bổ sung công trình hành lang bảo vệ môi trường thuộc dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Theo phương án của Công ty Nuiphao Mining, căn cứ vào khoảng cách địa lý từ trung tâm Nhà máy chế biến, Công ty đã phân ra thành các khu vực ưu tiên để đánh giá mức độ tác động môi trường, từ đó xây dựng phương án đền bù cụ thể. Tổng diện tích đất quy hoạch thu hồi là 22,2 ha với 270 hộ bị thu hồi đất.
Nuiphao Mining cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, đánh giá DTM, công khai các đánh giá môi trường định kỳ, giúp người dân địa phương khu vực dự án Núi Pháo yên tâm sinh sống, sản xuất. |
Tuy vậy, trong khi dự án tổng thể còn chưa được phê duyệt, tình trạng người dân vùng quy hoạch dự án cơi nới, xây dựng các công trình đón đền bù đã diễn ra ồ ạt, không thể kiểm soát. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện các quy trình của công tác GPMB. Qua tính toán bước đầu, so với mức dự toán ban đầu, việc đua nhau xây dựng các công trình đón đền bù đã khiến chi phí GPMB đội lên rất cao. Mặt khác, sau khi đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải, bảo đảm môi trường, việc tác động môi trường đã được giảm thiểu, các tác động ảnh hưởng môi trường khu vực nhà máy đã được cải thiện.
Chính điều này đã được ghi nhận trong thông báo kết quả giám sát của thường trực HĐND xã Hà Thượng vào cuối tháng 11 vừa qua. Qua kết quả quan trắc của 3 đơn vị chuyên ngành về môi trường gồm: Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Viện Khoa học môi trường và sức khỏe môi trường (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) trong tháng 10/2015 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu môi trường tại khu vực xóm 3, xóm 4, xã Hà Thượng đều đạt tiêu chuẩn. Cụ thể về bụi tại 8 vị trí lấy mẫu đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; về khí thải, các chỉ tiêu quan trắc đều thấp hơn giới hạn cho phép của quy chuẩn được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định; về tiếng ồn chỉ có 2/8 vị trí thỉnh thoảng vào ban đêm có tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 4 đến 8% nằm trong khu vực ưu tiên 1B tiếp giáp với khu vực ưu tiên 1A (theo bản đồ phân khu quy hoạch xây dựng hành lang bảo vệ môi trường khu vực xóm 3, 4 Hà Thượng của dự án) chính vì vậy đây là hai khu vực ưu tiên để thực hiện bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng khu vực hành lang bảo vệ môi trường.
Ông Chu Văn Tuất, Bí thư Đảng ủy xã Hà Thượng cho biết: Tình trạng cơi nới, đón đền bù của người dân xóm 3, xóm 4 là có thật và xã đã nhiều lần nhắc nhở. Tuy hiện nay, việc tác động môi trường của Nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo đã được cải thiện nhưng về lâu dài bà con vẫn mong muốn được di dời đến nơi định cư mới theo như thông báo của UBND tỉnh. Riêng phần diện tích, công trình cơi nới đón đền bù, xã kiên quyết không thực hiện kiểm đếm… Chung quan điểm với chính quyền cơ sở, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cũng mong muốn chủ đầu tư dự án thực hiện đúng theo nội dung thông báo số 2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên và cũng không giải quyết chính sách đền bù cho phần công trình, diện tích được xác định là cơi nới, xây dựng để đón đền bù. Là người trực tiếp sinh sống tại khu vực gần nhà máy chế biến khoáng sản của Nuiphao Mining, bà Nguyễn Thị Tường, trưởng xóm 4 Hà Thượng thừa nhận tại xóm có một số hộ xây dựng các công trình đón đền bù và hầu hết các công trình cơi nới, đón đền bù diễn ra trước thời điểm tiến hành kiểm đếm tài sản khu vực bị ảnh hưởng; khi tiến hành xây dựng các hộ đều lấy lý do là xây nhà trọ cho công nhân của dự án Núi Pháo…
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, từ tháng 10/2015, Sở đã nhận được văn bản của Công ty Nuiphao Mining và làm việc với UBND huyện Đại Từ nhưng chưa có cơ sở để thống nhất đề nghị của Công ty được thu hồi diện tích khoảng 2,0 ha và phần còn lại (20 ha) nếu ảnh hưởng về môi trường dưới tiêu chuẩn cho phép thì không thực hiện thu hồi đất, bồi thường tái định cư nằm trong khu vực xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh yêu cầu Công ty Nuiphao Mining thực hiện đúng tinh thần của thông báo số 2007/UBND-TH tháng 8/2014, trước mắt triển khai bồi thường GPMB 12,79 ha/22,2 ha đã có kế hoạch sử dụng đất ở khu vực xóm 3, xóm 4; phần còn lại hoàn thành bổ sung đăng ký kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở thu hồi đất theo quy định. Còn việc phê duyệt phương án quy hoạch điều chỉnh và dự án bổ sung của Công ty Nuiphao Mining, Sở đang xây dựng văn bản để UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, phê duyệt…
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Nuiphao Mining cho biết: Từ khi đi vào sản xuất, Nuiphao Mining luôn chú trọng đến việc bảo đảm môi trường, thực hiện các cam kết về môi trường theo đúng báo cáo DTM đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi có ý kiến của người dân xóm 3, xóm 4 về những ảnh hưởng của nhà máy sản xuất đến đời sống của bà con, Công ty sẵn sàng lập quy hoạch, bổ sung dự án xây dựng công trình phụ trợ, hành lang bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc lập dự án ở đây không có nghĩa là thu hồi toàn bộ 22 ha của người dân theo đơn vị hành chính mà chỉ tiến hành đền bù, GPMB đối với các khu vực ưu tiên, thực sự cấp thiết khi có đánh giá cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Nếu để đền bù, di dời, GPMB toàn bộ, cùng lúc các hộ dân trong tổng diện tích 22,2 ha của xóm 3, xóm 4 Hà Thượng trong thời điểm hiện nay là rất khó khả thi…
Theo ghi nhận của chúng tôi, thực tế hiện nay, việc thu hồi toàn bộ diện tích đất ở xóm 3, xóm 4 Hà Thượng khá khó khăn khi tình trạng người dân cơi nới, xây dựng công trình để đón đền bù gần như không thể kiểm soát được, gây đội giá đền bù quá lớn, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp và lạm dụng, lãng phí ngân sách của Nhà nước. Chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng chính sách đền bù GPMB của Nhà nước để trục lợi. Bên cạnh đó, khi mức độ ảnh hưởng môi trường được kiểm soát, việc thu hồi đất nên chia thành các giai đoạn để giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp cũng như bố trí quỹ đất, sử dụng đất một cách hợp lý. Đặc biệt, nếu vấn đề môi trường đã được đảm bảo như đánh giá của các đơn vị quan trắc thì các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét mức độ cần thiết di dời của các hộ dân ở các khu vực ít bị ảnh hưởng tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Về phía Nuiphao Mining cũng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, đánh giá DTM, công khai các đánh giá môi trường định kỳ, giúp người dân địa phương khu vực dự án Núi Pháo yên tâm sinh sống, sản xuất.
Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD trên diện tích 720 ha thuộc địa bàn 4 xã, thị trấn của huyện Đại Từ. Tổng số tiền chi trả đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 1.700 tỷ đồng, chưa kể các chi phí xây dựng khu tái định cư, hạ tầng cơ sở, thực hiện các dự án phát triển sản xuất cho người dân vùng bị ảnh hưởng… |