Tính đến ngày 12/3/2018, tổng nguồn vốn huy động tại các Chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ tăng 2,5% so với đầu năm (cao hơn cùng kỳ năm trước 1,8%). Nguồn vốn khu vực chiếm tỷ trọng 10,8% nguồn vốn toàn hệ thống. Đây là khu vực có quy mô nguồn vốn đứng hàng thứ 3/10 khu vực. Hiện nay, có 9/15 chi nhánh huy động vốn tăng trưởng cao (như Tiền Giang tăng 6,6%; Long An tăng 4%; Bến Tre tăng 5%; Phú Quốc tăng 20%). Nguồn vốn thực hiện kế hoạch đạt 101% kế hoạch quý 1/2018.
Dư nợ cho vay toàn khu vực tăng 0,8% so với đầu năm (cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống 0,2%). Đây là khu vực có quy mô dư nợ lớn nhất trong các khu vực (chiếm tỷ trọng 14,7% tổng dư nợ toàn hệ thống). Hiện nay, dư nợ bình quân cán bộ đạt mức 24,7 tỷ đồng/cán bộ.
Tính đến ngày 12/3/2018, tổng dư nợ đã xử lý rủi ro toàn khu vực cao so với toàn hệ thống, đứng thứ 3/10 khu vực. Tổng thu hồi nợ đã xử lý rủi ro đạt 14% kế hoạch năm. Về hoạt động thu dịch vụ, sau khi trừ TSC tăng 12,4% so với cùng kỳ, đạt 15,8% kế hoạch năm. Nổi bật là Chi nhánh Phú Quốc thu dịch vụ tăng 53%, Trà Vinh tăng 20%, Kiên Giang tăng 19%, Bạc Liêu tăng 18,6%.
Theo ông Trần Ngọc Tồn –Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ, khó khăn hiện nay của một số chi nhánh trong khu vực là: Tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực cao (chiếm 90,8%). Các chi nhánh chịu nhiều áp lực cân đối tài chính do khống chế lãi suất cho vay tối đa; việc chuyển đổi đối tượng đầu tư tại khu vực còn chậm; một số chi nhánh có hiện tượng quá tải công việc đối với cán bộ tín dụng do dư nợ cho vay cá nhân, hộ sản xuất cao... Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018, những tháng còn lại của năm nay, khu vực Tây Nam bộ phấn đấu thực hiện: Chênh lệch thu - chi (chưa lương thù lao) 19,7 tỷ đồng; vốn huy động tăng trên 18.800 tỷ đồng (tăng 16,6%); dư nợ tín dụng tăng trên 13.800 tỷ đồng (tăng 10,8%); thu hồi nợ đã xử lý rủi ro trên 640 tỷ đồng; thu nợ bán cho VAMC trên 1.500 tỷ đồng; thu dịch vụ 492 tỷ đồng (tăng 24,1%)...
Bên cạnh những nhóm giải pháp chung nhằm tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ tiềm ẩn, xử lý thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát; nâng cao chất lượng cán bộ; tổ chức sắp xếp lại mạng lưới hoạt động của các chi nhánh, Văn phòng đại diện khu vực Tây Nam bộ kiến nghị: Trụ sở chính cho phép chi nhánh chủ động quyết định lãi suất huy động phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu cạnh tranh trên địa bàn; đề nghị TSC xem xét giảm phí sử dụng vốn nội bộ để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các chi nhánh thiếu vốn, tạo điều kiện mở rộng tín dụng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay lãi suất thấp, chi phí cao; nghiên cứu bổ sung tiện ích trên chương trình IPCAS để có thể tự động tính lãi chậm trả đối với khách hàng nhằm đảm bảo tính toán số liệu chính xác và một số nội dụng quan trọng khác.
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, cho biết: “Agribank Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà các chi nhánh Agribank trực thuộc khu vực Tây Nam bộ đạt được trong năm 2017. Để hoạt động của các Chi nhánh trong khu vực ngày càng hiệu quả hơn, lãnh đạo Agribank Việt Nam đồng thuận, cho phép các chi nhánh chuyển hướng phương pháp đầu tư, đối tượng đầu tư và chủ động quyết định lãi suất huy động phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu cạnh tranh trên địa bàn.
Riêng công tác đào tạo cán bộ, cần tiến hành thường xuyên và bằng nhiều hình thức, như: Tự đào tạo, gửi đi đào tạo, tổ chức tham quan chia sẻ kinh nghiệm, tham gia hội nghị, hội thảo. Chú ý ưu tiên đào tạo cấp bách lực lượng cán bộ tín dụng đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Cũng tại hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh đã cho ý kiến cụ thể một số đề xuất của Văn phòng đại diện khu vực Tây Nam bộ, như cơ chế quản trị điều hành, xây dựng hệ thống định mức lao động, quy chế đánh giá nhân viên, kiểm tra giám sát, xử lý trách nhiệm cá nhân trong công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra”.