Với những bước tiến vượt bậc trong phát triển sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng tiện ích, Agribank có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Phát triển SPDV – những bước tiến vượt bậc của Agribank
Được thành lập ngày 26/3/1988, là Ngân hàng Thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được thành lập gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank thực hiện tốt vai trò là công cụ đắc lực của Đảng, Chính phủ và NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ, chính sách “Tam nông”, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời Agribank cũng đã làm tròn nhiệm của của Ngân hàng Thương mại hoạt động kinh doanh hiệu quả, có đóng góp lớn đối với ngân sách nhà nước.
Trụ sở chính của Agribank tại Hà Nội. |
Với nhận thức, sản phẩm dịch vụ (SPDV) đóng vai trò rất quan trọng đối với thành công của một Ngân hàng, bởi nếu SPDV tiện ích, hiện đại sẽ tạo nên sức hút, tăng sức cạnh tranh của ngân hàng và đây cũng chính là xu hướng hoạt động của ngân hàng hiện đại. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển, Agribank đã từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, của thị trường.
Quá trình phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích hiện đại ban đầu được Agribank tập trung vào các nhóm dịch vụ đó là: Phát triển các sản phẩm thanh toán; phát triển các dịch vụ tiền gửi; phát triển các sản phẩm cho vay; phát triển các sản phẩm dịch vụ và hệ thống cung cấp dịch vụ. Năm 2008 được xem như là thời điểm đánh dấu bước ngoặt mới của Agribank trong triển khai các SPDV hiện đại, với hàng loạt các SPDV tiện ích được Agribank phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như: Dịch vụ gửi tiền một nơi rút tất cả các nơi, quản lý luồng tiền của doanh nghiệp qua hệ thống ngân hàng, kết nối thanh toán với các tổng công ty lớn; chùm dịch vụ ngân hàng thao tác trên điện thoại di động (Mobile Banking) với các sản phẩm như: Vấn tin số dư tài khoản, sao kê 5 giao dịch gần nhất, tự động thông báo biến động số dư tài khoản bằng tin nhắn SMS tới điện thoại di động của khách hàng, nạp tiền cho thuê bao di động trả trước từ tài khoản tiền gửi của khách hàng mở tại Agribank (VnTopup Agribank), đại lý bán thẻ nạp tiền cho thuê bao di động trả trước, dịch vụ chuyển khoản bằng tin nhắn SMS (A Transfer), nạp tiền cho “Ví điện tử VnMart”, và dịch vụ thanh toán hóa đơn qua SMS (ApayBill)...
Đến cuối năm 2010, Agribank đã cung cấp gần 190 sản phẩm dịch vụ đến khách hàng, bứt phá dẫn đầu hệ thống TCTD trong nước về sản phẩm thanh toán, thực hiện thanh toán trực tuyến với mọi giao dịch được quản lý, xử lý tập trung, lưu lượng thanh toán qua ngân hàng ngày càng tăng. Cũng vào năm 2010, Agribank vươn lên vị trí số 1 về phát hành thẻ. Với mốc chủ thẻ thứ 5 triệu đạt được vào tháng 7/2010, Agribank trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam về số lượng thẻ phát hành… Đến 31/12/2017, tổng số thẻ Agribank phát hành còn hiệu lực đạt trên 11 triệu thẻ. Đến nay, Agribank luôn giữ vững vị trí Top 3 ngân hàng dẫn đầu trên thị trường thẻ.
Triển khai Đề án chiến lược phát triển dịch vụ giai đoạn 2016- 2020, năm 2017 Agribank chính thức thành lập Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng nhằm đưa hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới chuẩn mực của ngân hàng hiện đại. Đến 31/12/2017, 7/8 nhóm SPDV Agribank duy trì đà tăng trưởng, đưa doanh thu dịch vụ toàn hệ thống tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, vượt kế hoạch đề ra. Với mục tiêu đưa dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, cũng trong năm 2017, Agribank triển khai thử nghiệm Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, đầu năm 2018 chính thức triển khai tại 62 chi nhánh với 68 xe chuyên dùng, nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn và sử dụng các SPDV khác từ Agribank. Có thể khẳng định rằng, với những kết quả đạt được trong phát triển SPDV, Agribank có đóng góp tích cực đối với quá trình khởi động “làn sóng” thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Agribank hiện có trên 200 SPDV được chia thành các nhóm gồm: Nhóm SP huy động vốn; nhóm dịch vụ thanh toán trong nước; nhóm dịch vụ thẻ; nhóm dịch vụ thanh toán quốc tế; nhóm dịch vụ kinh doanh ngoại hối; nhóm dịch vụ kiều hối; nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking; nhóm dịch vụ ngân quỹ và quản lý tiền tệ; nhóm dịch vụ ủy thác đại lý; nhóm SPDV liên kết… Các kênh phân phối SPDV của Agribank đa dạng gồm: Kênh phân phối SPDV truyền thống (2.233 chi nhánh, phòng giao dịch gồm:158 chi nhánh loại 1, loại 2; 784 chi nhánh loại 3 và 1.290 phòng giao dịch; 7 công ty trực thuộc; 3 Văn phòng đại diện và 1 Chi nhánh nước ngoài; điểm giao dịch lưu động); kênh phân phối qua ATM và EDC/POS (2.626 ATM và 19.015 EDC/POS); kênh phân phối qua Mobile Banking; kênh phân phối qua Internet Banking; kênh phân phối qua kết nối thanh toán với khách hàng (CMS); kênh phân phối với các ngân hàng đại lý (Agribank hiện duy trì quan hệ đại lý với 825 ngân hàng tại 86 quốc gia và vùng lãnh thổ). |
Hướng đến mục tiêu NHTM bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam
Sau 30 năm phát triển, có thể nói Agribank đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển SPDV. Đến nay, Agribank có trên 200 SPDV tiện ích, trong đó có nhiều SPDV mang thương hiệu Agribank, có thể kể đến các SPDV thuộc nhóm huy động, tín dụng, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, thẻ, Mobike Banking… Phát triển các hệ thống ATM, POS, Internet banking, Mobile Banking, Contact Center, Core Banking… Agribank là ngân hàng tiên phong trong quá trình phát triển Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tiên phong trong đầu tưu trang bị lắp đặt máy ATM và cung ứng SPDV ngân hàng hiện đại đến các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Để theo kịp xu thế phát triển của NHTM hiện đại, Agribank đề ra nhiệm vụ phát triển SPDV đó là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng SPDV trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng ngày càng đa dạng của khách hàng. Tiếp tục giữ vị trí là ngân hàng hàng đầu về cung cấp dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời mở rộng thị phần, đảm bảo cạnh tranh tại khu vực đô thị. Với mục đích phục vụ khách hàng càng càng tốt hơn, Agribank xây dựng và triển khai Đề án phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích nhằm giảm thiểu một cách tối đa thủ tục tiếp cận và sử dụng dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ của Agribank.
Các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích được Agribank triển khai như: Thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ và nền tảng công nghệ thông tin, đặc thù văn hoá, tập quán thị trường vùng miền, xây dựng phương án, kênh phân phối, giải pháp phát triển những dịch vụ thế mạnh; hoàn thiện, phát triển sản phẩm mới bám sát nhu cầu khách hàng, mở rộng dịch vụ tại địa bàn nông thôn; xây dựng và triển khai cơ chế chăm sóc khách hàng, chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Agribank xác định rõ cùng với việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ tiện ích, đó là vấn đề đặt ra cần phục vụ khách hàng tốt hơn; cải cách thủ tục thông qua phương thức đưa ra các SPDV tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin như Internet Banking, Mobile Banking… đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử tăng nhanh, trợ giúp khách hàng giao dịch 24/24 giờ, giảm nhiều thủ tục để khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian đi lại, thủ tục giấy tờ hành chính.
Ông Tiết Văn Thành – Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định tiếp tục tăng cường huy động vốn, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Agribank đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh doanh dịch vụ giai đoạn 2016-2020; phát triển dịch vụ ngân hàng tiện ích, tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm dịch vụ, triển khai sản phẩm liên kết với các nhà cung ứng khác… Trên hành trình trở thành ngân hàng bán lẻ tốt nhất khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm đưa vốn đến tận tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, Agribank tăng cường cho vay qua tổ nhóm và triển khai mô hình “Điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” bằng xe ô tô chuyên dùng”.
Để phủ sóng địa bàn nông thôn, Agribank đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích như: Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay đối với khách hàng vay vốn theo các nghị quyết, nghị định của Chính phủ… thể hiện qua việc xây dựng chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với hội nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã mạnh dạn dành hẳn một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
Trải qua 30 năm hoạt động, toàn hệ thống Agribank đang “về đích” nhanh hơn mục tiêu là ngân hàng hiện đại đi đầu phát triển SPDV, cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích giao dịch trong thanh toán, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Đến 31/12/2017, có trên 12 triệu khách hàng gửi tiền tại Agribank, 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của Agribank, gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân đang vay vốn Agribank, chiếm tỷ trọng 69,1% dư nợ cho vay nền kinh tế, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm tỷ trọng gần 30,9% dư nợ cho vay nền kinh tế, tiếp tục khẳng định niềm tin của khách hàng đối với Agribank. Agribank tích cực cùng ngành ngân hàng triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của Chính phủ. |