Theo đó, xét đề nghị của giám đốc công an tỉnh Ninh Bình tại văn bản số 799/CAT-PC46 ngày 2/8/2017 kèm theo Biên bản vi phạm hành chính số 15/BB-VPHC do Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình lập ngày 7/6/2017 và các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), thuộc Tập đoàn viễn thông Quân đội vì hành vi ''kinh doanh hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên", với số tiền phạt là 90 triệu đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng có hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm, bao gồm: 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter; 200 chiếc điện thoại di động Viettel V6216; 120 chiếc USB Wifi 4G-D6606 và 10 thiết bị phát wifi TP Link - W8151N.
Tại quyết định xử phạt, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Tổng Công ty Viễn thông Viettel phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tổng Công ty Viễn thông Viettel có quyền khiếu nại và khởi kiện hành chính đối với quyết định này, theo quy định của pháp luật.
Đây không phải lần đầu tiên Viettel bị xử phạt. Hồi tháng 3/2017, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 85 triệu đồng đối với Viettel, VinaPhone, MobiFone; sau khi kiểm tra việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước của 3 doanh nghiệp viễn thông di động lớn, cho thấy chính các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện đăng ký thông tin thuê bao sai quy định.
Cụ thể, tại Viettel, việc đăng ký thông tin do chính Viettel thực hiện bị sai. Tên trên chứng minh thư một người và họ tên hệ thống cơ sở dữ liệu là người khác. Thông tin thuê bao còn bị thiếu ảnh chứng minh nhân dân, ảnh chứng minh nhân dân mờ không thể đọc được thông tin hoặc trên hệ thống không có tên thuê bao.
Trước đó, vào năm 2016, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng ra quyết định xử phạt Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với tổng số tiền lên đến 171 triệu đồng; sau khi Cục tiến hành thanh tra Tập đoàn này về hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Cụ thể, theo Quyết định số 41/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Viettel đã thực hiện 4 hành vi vi phạm hành chính.
Với hành vi cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk) không đúng quy định trong Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền số 145/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Viettel bị áp dụng hình thức phạt tiền 8 triệu đồng.
Với hành vi cung cấp các Kênh truyền hình trả tiền VTC4, VTC13, HTVC Phim truyện, BTV4, Điện ảnh MOV, Phụ nữ và Gia đình HcaTV2- You TV, HTVC Ca nhạc trên hệ thống truyền hình cáp tương tự tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk) không đúng quy định Giấy chứng nhận đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ truyền hình trả tiền, quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Viettel bị áp dụng hình thức phạt tiền 8 triệu đồng.
Với hành vi cung cấp không đúng danh mục chương trình phim theo Giấy chứng nhận số 94/GCN-PHIM-PTTH&TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 09/7/2015 và Giấy chứng nhận đăng ký số 162/GCN-PHIM-PTTH&TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 19/11/2015 trên dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu, quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Viettel bị áp dụng hình thức phạt tiền 15 triệu đồng.
Với hành vi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền di động (MobiTV) không có giấy phép, quy định tại Khoản 6, Điều 16 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Viettel bị áp dụng hình thức phạt tiền 140 triệu đồng.
Tổng số tiền xử phạt theo Quyết định số 41/QĐ-XPVPHC của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đối với Tập đoàn Viettel là 171 triệu đồng.
Năm 2014, Viettel cũng đã từng bị Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông xử phạt Viettel 75 triệu đồng do lỗi kích hoạt, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng dù chưa nhận được sự đồng ý của người sử dụng.