Theo hãng tin Nga TASS, nỗ lực mới nhất trong ngày 14/1 nhằm kết nối trở lại với Spektr-R vẫn chưa đạt kết quả.
Trước đó, ngày 10/1 vừa qua, Roscosmos đã mất kiểm soát với kính viễn vọng Spektr-R (còn có tên là RadioAstron). Tuy nhiên, Roscosmos cho biết một trạm quan sát không gian của Mỹ đã bắt được tín hiệu từ Roscosmos, điều này có nghĩa là kính viễn vọng này vẫn đang hoạt động và các hệ thống trên Spektr-R đang tự vận hành.
Kính viễn vọng Spektr-R được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011 với nhiệm vụ nghiên cứu các hố đen, các ngôi sao neutron và từ trường của Trái Đất cùng nhiều đối tượng khác. Là một hệ thống phức tạp gồm nhiều trạm quan sát đặt trên mặt đất và một ăng-ten dài 10m, Spektr-R là một trong những kính viễn vọng không gian lớn nhất từng được tạo ra.
Trong năm nay, Nga dự định phóng lên không gian một kính viễn vọng khổng lồ khác mang tên Spektr-RG với tham vọng tạo ra một "bản đồ vũ trụ hoàn thiện".
Hồi tháng 10 năm ngoái, tên lửa đẩy của tàu vũ trụ Soyuz MS-10, với nhiệm vụ đưa nhóm phi hành gia Mỹ-Nga lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), đã gặp trục trặc với động cơ trong quá trình cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, khiến Nga phải tạm hoãn các chuyến phóng tàu đưa người lên vũ trụ. Đến đầu tháng 12 vừa qua, Nga mới nối lại hoạt động này với vụ phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz MS-11 cùng 3 phi hành gia lên ISS.