Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, các hãng này gồm tập đoàn KDDI đang quản lý dịch vụ điện thoại di động AU và tập đoàn Softbank đang quản lý mạng viễn thông giá rẻ Y!Mobile.
Thông báo trên được KDDI và Softbank đưa ra sau khi Mỹ quyết định cấm các doanh nghiệp nước này bán linh kiện điện thoại cho Huawei. Google và một số hãng sản xuất chip của Mỹ đã ngừng cung cấp phần mềm và linh kiện thiết yếu cho Huawei sau lệnh cấm trên.
Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ". Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung tập đoàn Huawei và 68 thực thể vào một "danh sách đen" xuất khẩu, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và công nghệ cho tập đoàn này nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho đến giữa tháng 8 tới, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Huawei đã chỉ trích động thái của Mỹ mà tập đoàn này gọi là "hành động bắt nạt", đồng thời kêu gọi các nước châu Âu phản đối chính sách của Washington ngăn chặn Huawei tiếp cận các thị trường và công nghệ. Nhà sáng lập tập đoàn này, ông Nhậm Chính Phi khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước.
Giới chuyên gia đánh giá động thái của Mỹ sẽ gây khó khăn cho Huawei, vốn được xem là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, việc ngăn chặn bán linh kiện quan trọng cho Huawei cũng có thể phá vỡ các hoạt động kinh doanh của các "đại gia" chip của Mỹ như Micron Technology Inc. và làm trì hoãn việc triển khai các mạng không dây 5G trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc. Điều này có thể làm tổn hại các công ty Mỹ vốn đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.