Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý cạnh tranh của Mỹ và Australia cho biết vẫn đang theo đuổi việc điều tra thương vụ trị giá 2,1 tỷ USD này.
Bộ Tư pháp Mỹ - cơ quan kiện Google hồi tháng 10/2020 với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền trong các hoạt động kinh doanh quảng cáo và công cụ tìm kiếm, nhấn mạnh vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc áp đặt chế tài nào đối với thỏa thuận giữa Google và Fitbit. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tiêu dùng và cạnh tranh Australia, ông Rod Sims, nêu rõ sẽ cân nhắc hành động pháp lý đối với vấn đề này tùy thuộc vào kết quả điều tra.
Trong một tuyên bố, Google khẳng định đã tuân thủ đánh giá toàn diện của Bộ Tư pháp Mỹ trong 14 tháng, trong khi thời hạn bộ trên đưa ra phản đối thỏa thuận trên vào ngày 13/1 cũng đã qua và bộ này chưa đưa ra ý kiến phản đối chính thức nào. Google nêu rõ sẽ tiếp tục liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ, đồng thời sẽ phúc đáp mọi vấn đề nảy sinh.
Hiện Google chưa đưa ra bình luận đối với tuyên bố của ông Rod Sims.
Google đã công bố kế hoạch mua lại Fitbit vào cuối năm 2019. Kế hoạch này đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ Google sử dụng dữ liệu của Fitbit để cạnh tranh không công bằng, vi phạm quyền riêng tư của người dùng.
Australia đã bác bỏ đề xuất của Google về việc mua lại Fitbit, cho rằng thương vụ này có thể khiến các đối thủ của Fitbit không thể kết nối với các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android của Google.
Không chỉ Australia, nhiều cơ quan giám sát quyền riêng tư, những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có Public Citizen (Mỹ), Access Now (châu Âu), cũng lo ngại thương vụ này sẽ giúp Google khai thác Fitbit để xâm nhập sâu hơn vào đời sống của người dùng, ảnh hưởng đến vấn đề cạnh tranh. Tuy nhiên, Google đã cam kết với châu Âu không sử dụng dữ liệu sức khỏe và thể chất từ 29 triệu người dùng của Fitbit để bán quảng cáo. Do đó, tháng trước, Google đã được Liên minh châu Âu (EU) "bật đèn xanh" cho thương vụ này.