Việc ra mắt Portal - một thiết bị hỗ trợ liên lạc và gọi video cá nhân do chính công ty này phát triển - là một động thái rất bất ngờ của Facebook. Nhất là khi đặt diễn biến này vào bối cảnh thời điểm mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn đang loay hoay tìm cách gây dựng lại hình ảnh sau một loạt bê bối lộ dữ liệu người dùng gần đây.
Facebook đã lên kế hoạch công bố Portal tại Hội nghị dành cho các nhà phát triển liên kết với Facebook (F8) tổ chức hồi tháng Ba năm nay, song phải lùi lại do vụ bê bối Cambridge Analytica. Nhưng dù thời điểm công bố của Portal có vào tháng Ba hay tháng Mười cũng đều không hề tốt khi bê bối lộ thông tin 50 triệu người dùng của Facebook vừa mới bị phanh phui. Và hoàn toàn không khó hiểu tại sao giới đam mê công nghệ không mấy "mặn mà" với Portal.
Portal có thực sự đặc biệt?
Từ những hình ảnh đầu tiên, dễ dàng nhận ra rằng Portal có diện mạo khá đơn giản, gồm một màn hình kết hợp cùng camera trước. Facebook dự kiến sẽ tung ra hai phiên bản Portal khác nhau, với bản có màn hình cỡ 10 inch cơ bản và bản 15 inch. Ngoài sự khác biệt về kích thước, màn hình của bản Portal 15 inch (còn gọi là Portal+) có thể điều chỉnh tùy ý theo trục chứ không cố định nằm ngang như bản 10 inch.
Theo Facebook, Portal được trang bị chức năng Smart Camera biết tự động xác định chủ nhân đang theo tầm của camera. Được tích hợp AI, camera của Portal sẽ “bắt dính” người đang sử dụng dù họ ở đâu trong khung hình và có thể sẽ tự động phóng to hình ảnh của họ nếu chỉ có một người dùng. Nếu có nhiều người dùng cùng xuất hiện, máy ảnh sẽ chuyển sang góc quay rộng.
Ngoài ra, Portal cũng được trang bị Smart Sound và một bộ hai loa cao cấp (riêng Portal+ sẽ có thêm hai phần loa hỗ trợ dải tần cao và một phần loa âm trầm) giúp giảm thiểu tạp âm môi trường nhằm giúp nâng cao chất lượng truyền phát tiếng giữa hai bên.
Facebook cho biết ngay cả khi một bên không sở hữu một chiếc Portal, việc gọi video cho nhau vẫn diễn ra bình thường. Giao diện người dùng khi thực hiện gọi video trên Portal sẽ được đồng bộ và hiển thị y như ứng dụng Messenger của Facebook.
Một điểm khác khiến Portal được chú ý là điều khiển bằng giọng nói. Chỉ bằng việc ra lệnh "Hey Portal", thiết bị sẽ tự nhận diện và phản hồi với người dùng. Điều thú vị là chính “trợ lý ảo” Alexa của Amazon là yếu tố chính giúp Portal có khả năng này. Người dùng cũng có thể dùng Portal để xử lý các lệnh thông thường như đặt hẹn giờ, thêm các mục vào danh sách mua sắm hoặc kiểm tra thời tiết.
Có thể thấy rõ mục tiêu đầu tiên của Facebook khi phát triển Portal là để phục vụ cho hoạt động video chat trên mạng xã hội này. Nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng hầu hết những tiện ích mà Portal mang tới cho người dùng không hoàn toàn mới, chúng đều có thể được thực hiện thông qua máy tính cá nhân, table hay điện thoại thông minh một cách khá dễ dàng.
Dù Portal còn hỗ trợ các dịch vụ như Facebook Watch, Food Network, Spotify, Pandora, iHeart Radio, Newsy…, song thiết bị này không đi kèm với trình duyệt web, không YouTube, WhatsApp, Instagram, cũng như không có khả năng đọc các tin nhắn văn bản của Messenger.
Với cái giá không phải là rẻ (199 USD cho Portal và 349 USD cho Portal+), đặc biệt là sau sự cố lộ dữ liệu của 50 triệu tài khoản mới được công bố, giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu người dùng có thể tin tưởng và mở hầu bao cho Facebook hay không?
Niềm tin bị thử thách
Việc Facebook quyết định công bố sản phẩm này ngay khi vụ vi phạm bảo mật dữ liệu của 50 triệu tài khoản mới xảy ra chưa lâu cho thấy họ khó có thể giữ bí mật về Portal lâu hơn nữa mà không “khai tử” nó.
Vấn đề lớn nhất mà Facebook phải đối mặt là những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân. Lần này, Facebook hứa hẹn rằng Portal được phát triển với sự chú trọng cao vào tính riêng tư và bảo mật.
- Theo đó, Facebook cam kết không can thiệp hay lưu lại nội dung cuộc gọi video từ Portal. Mọi cuộc gọi video đều được mã hóa riêng trên Portal, vì vậy người dùng có thể yên tâm các cuộc gọi của họ đều được bảo mật.
- Ngoài ra, các tính năng có kèm AI như Smart Camera, Smart Sound được vận hành trên máy chủ riêng cho Portal, không phải Facebook. Camera của Portal không dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt và cũng không tự động xác định danh tính người dùng.
- Portal chỉ gửi những câu lệnh thoại đến máy chủ của facebook sau khi người dùng nói “Hey Portal”. Người dùng có thể xóa lịch sử câu lệnh tương tác với Portal trong mục Activity Log trên Facebook bất kỳ lúc nào.
- Ngoài ra, người dùng có thể vô hiệu hóa camera và microphone trên Portal chỉ bằng một lần chạm. Facebook cũng tặng kèm phụ kiện che camera cho Portal phòng trường hợp người dùng không muốn lộ mặt.
- Người dùng cũng có thể hạn chế truy cập Portal bằng cách thiết lập mật khẩu tối đa 12 ký tự. Nếu muốn đổi mật khẩu, phải có thông tin bảo mật của tài khoản Facebook chính.
Những cam kết trên nghe qua có vẻ ổn, nhưng chúng đều khá cơ bản. Hơn nữa, giống như các sản phẩm khác của Facebook, Portal cũng phải trải qua giai đoạn thử nghiệm đầy sóng gió, và rồi sau đó mọi thứ đều có thể thay đổi. Camera của Portal có thể không xác định danh tính người dùng, nhưng Facebook vẫn sở hữu một công cụ nhận dạng khuôn mặt mạnh mẽ. Và mạng xã hội khổng lồ này vẫn nổi tiếng về việc nỗ lực xóa mờ ranh giới giữa các sản phẩm chủ chốt của chính họ.
Giới chuyên gia công nghệ cho rằng nếu Facebook không thể đảm bảo tính bảo mật cho sản phẩm lớn nhất của chính họ - mạng xã hội Facebook – thì rất khó để người dùng có thể tin tưởng những thử nghiệm mới của công ty này. Đảm bảo an ninh cho một nền tảng phục vụ 2,23 tỷ người dùng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, và việc đưa phần cứng vào “phương trình” đó chỉ làm phức tạp những lo ngại hiện có của Facebook.