TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng vaccine lưu động

Từ ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh triển khai các tổ tiêm chủng lưu động đến tận nơi làm việc, sinh sống của người dân để thực hiện tiêm chủng trong điều kiện Thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên triển khai hoạt động này.

Chú thích ảnh
Xe tiêm chủng lưu động của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức đến các khu cách ly tiêm chủng vaccine cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ về hoạt động tiêm vaccine COVID-19 bằng xe lưu động, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có quy định tuyệt đối giãn cách gia đình với gia đình, khu phố với khu phố, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ tiêm chủng vaccine. Do đó, theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, những đối tượng người trên 65 tuổi, có bệnh nền, nhóm cán bộ thực hiện công tác phòng, chống dịch tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Vì vậy, UBND thành phố Thủ Đức đã tiên phong triển khai một đội hình xe tiêm chủng lưu động đến từng khu phố để tiêm cho các đối tượng này.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh được giao nhiệm vụ bố trí các tổ tiêm lưu động. Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh viện bố trí 2 đội tiêm vaccine trên 2 ô tô chuyên dụng gồm 5 người/đội (2 bác sỹ, 3 điều dưỡng). Trên xe có đầy đủ các dụng cụ tiêm vaccine và cấp cứu như bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp... nhằm xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm.

Chú thích ảnh
Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức thực hiện tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu tại Khu cách ly Ký túc xá Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Ngay trong sáng 1/8, 2 đội tiêm vaccine được bố trí trên 2 ôtô chuyên dụng đã đến các khu cách ly như: Ký túc xá Trường cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh, Ký túc xá Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh… để tiêm cho các lực phòng chống dịch tuyến đầu.

Bác sỹ Võ Ngọc Sơn, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tại đội tiêm số 2 cho biết, việc tiêm chủng của các đội tiêm lưu động được thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế và rút ngắn một số khâu theo hướng dẫn, đặc biệt là thời gian theo dõi sau tiêm ngắn hơn, sau đó đội tiêm sẽ di chuyển sang các địa điểm khác. "Hiện tại thì chúng tôi theo dõi tầm từ 1 5- 20 phút thôi, không hết 30 phút như lần trước nữa. Chúng tôi có tư vấn cách theo dõi cho người dân kỹ càng và người dân sẽ gọi cơ sở y tế gần nhất khi có sự cố sau tiêm chủng", bác sỹ Võ Ngọc Sơn cho hay.

Ngoài 2 xe ô tô tiêm chủng lưu động, trong những ngày tới, UBND thành phố Thủ Đức còn bố trí các đội tiêm đi xe máy đến các phường, khu phố để tiêm cho người dân; trong đó sẽ ưu tiên cho người dân ở khu vực phong tỏa, người già, người có bệnh lý, người không thể tự đi đến điểm tiêm, người khó khăn…

TTXVN/Báo Tin tức
Người trên 65 tuổi, bệnh lý nền không bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19 tại các bệnh viện
Người trên 65 tuổi, bệnh lý nền không bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19 tại các bệnh viện

Theo kế hoạch điều chỉnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 vừa được Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh ban hành, những người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền mạn tính được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN