Cần Thơ dự kiến đón khoảng 1.000 người (400 người từ Thành phố Hồ Chí Minh và 600 người từ tỉnh Bình Dương) về các khu cách ly tập trung.
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ phân công cơ quan đầu mối lập danh sách công dân là người Cần Thơ có nhu cầu về quê; tạo điều kiện xét nghiệm cho các công dân nêu trên trước khi trở về...
Cần Thơ sẽ bố trí xe đến điểm tập kết do UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bình Dương chỉ định để đón người dân và đưa về các khu cách ly tập trung tại thành phố.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội liên hệ với cơ quan chức năng hai địa phương trên rà soát, tổng hợp số lượng người dân có nhu cầu về Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ có 39 khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 5.000 giường. Đến nay, thành phố đã kích hoạt 31 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở cách ly tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả. Các quận, huyện đang rà soát để nâng công suất cách ly lên 500 giường/huyện và 1.000 giường/quận.
Từ ngày 8/7 đến tối 26/7, Cần Thơ ghi nhận 832 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 2.685 người. Số người đang trong thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 5.470 người.
* Sáng 27/7, những chuyến xe miễn phí đi xuyên đêm đã đưa 400 công dân Phú Yên đang sinh sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về đến thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Đây là những công dân được tỉnh đưa về đợt đầu tiên trong số gần 4.000 công dân Phú Yên từ vùng dịch có nguyện vọng được trở về tỉnh.
Trước đó, tại Bến xe miền Đông Thành phố Hồ Chí Minh các công dân Phú Yên đã được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, sát khuẩn. Tỉnh Phú Yên tổ chức đón các công dân trở về tỉnh ở hai địa điểm Nhà thi đấu Lê Trung Kiên và Nhà Văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên. Tại đây, các công dân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm PCR nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tiếp tục đưa về cách ly tại nhà.
400 công dân Phú Yên được đón về quê trong đợt này là người già yếu, tàn tật; trẻ em; phụ nữ mang thai, người đang nuôi con nhỏ; người đi khám chữa bệnh; lao động tự do mất việc, không có chỗ ở; sinh viên, học sinh.
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Phú Yên đang diễn biến phức tạp, nhưng việc đón các công dân về quê thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Phú Yên đối với công dân xa quê, đồng thời san sẻ bớt khó khăn đối với vùng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Trong những ngày tới, tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đón công dân trở về từ vùng dịch bằng các phương tiện máy bay, tàu lửa và xe ô tô.
* Chiều 27/7, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bàn phương án đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho rằng, việc đón các công dân Hà Nam trở về địa phương là việc làm cần thiết nhằm chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm, tình cảm và sự quan tâm của tỉnh đối với những người con quê hương đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Thống nhất quan điểm là tiếp nhận công dân Hà Nam đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về quê, các lao động mất việc làm dài ngày, có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị mắc kẹt do đi công tác, học tập, thăm thân… với số lượng từ 700 đến 1.000 người.
Các công dân cần phải có đơn được Hội đồng hương Hà Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp, thẩm định và được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt; có thông tin đầy đủ về người thân, địa điểm về; có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; phương tiện di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nam bằng tàu hỏa. Tỉnh sẽ hỗ trợ các công dân vé tàu và kinh phí xét nghiệm. Về phương án cách ly giao cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động phương án cách ly tập trung hoặc tại nhà, nhưng phải bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Hội đồng hương Hà Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 1.000 công dân của tỉnh có nguyện vọng được trở về địa phương.
* Chiều 27/7, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp báo nhằm bàn các giải pháp an toàn trước khi triển khai công tác đón công dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở về địa phương.
Qua thống kê chưa đầy đủ, Cà Mau hiện có khoảng 230.000 người dân đang học tập, sinh sống và làm việc tại các tỉnh khác. Hiện số bà con còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng bà con mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn người, đa số ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau chủ trương thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ bà con.
Theo Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tại Thành phố Hồ Chí Minh, số bà con có nguyện vọng về quê là rất lớn. Ban liên lạc đã thành lập ban cứu trợ nhằm kêu gọi quyên góp, vận động hỗ trợ bà con giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc đưa bà con về phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tránh tạo vùng dịch mới.
* Chiều 27/7, tại khu vực trạm kiểm dịch Sao Mai (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum), lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với lực lượng chức năng, một số nhà từ thiện tổ chức hỗ trợ người dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê.
Theo đó, tại khu vực kiểm dịch Sao Mai, sau khi tập hợp đủ đoàn người, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ người dân đổ đầy bình xăng, trực tiếp phát đồ ăn nhẹ, cơm, sữa, nước uống trước khi khởi hành đi tiếp.
Cụ thể, đối với người dân về Quảng Ngãi được phân tuyến đi trước theo hướng lên huyện Kon Plông, qua đèo Vi O Lắt về. Người dân đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng hay Huế trở ra được tách để di chuyển theo hướng khác. Tất cả các hướng khi di chuyển đều có xe của Công an dẫn đường.
Trung tá Lê Quang Chính, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh, cho biết tại Kon Tum, trung bình có khoảng 140-170 lượt phương tiện/ngày đi qua địa bàn, số người dao động từ 250-350 người. Người dân di chuyển bằng xe mô tô, đa số là lực lượng công nhân, lao động tự do, hoàn cảnh rất khó khăn. Khi người dân về đến chốt kiểm soát dịch Sao Mai, lực lượng Cảnh sát Giao thông hỗ trợ cơm, nước uống, sữa và xăng để tiếp thêm động lực cho người dân trong suốt hành trình dài di chuyển. Với các phương tiện bị hư hỏng dọc đường, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã điều xe chuyên dụng để mang đi sửa chữa giúp người dân.
Được biết, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lực lượng chức năng trong tỉnh luôn phân công lực lượng, túc trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát dịch nhằm sớm hỗ trợ người dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp nhiễm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có ca F0 trong cộng đồng. Tất cả 6 ca mắc hiện tại đều được cách ly trước khi vào địa bàn.