TP Hồ Chí Minh cần khống chế dịch COVID-19 trong tháng 8

TP Hồ Chí Minh cần có biện pháp kìm hãm đà tăng của dịch COVID-19, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021 để dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong Cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố ngày 2/7.

Chú thích ảnh
 Người lao động xếp hàng chờ thực hiện các thủ tục khai báo y tế trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết, kể từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 1/7, thành phố ghi nhận 3.345 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các chuỗi lây nhiễm đáng chú ý hiện nay của thành phố là chuỗi lây nhiễm tại công ty có trụ sở ở tòa nhà đường Ung Văn Khiêm (Phường 25, quận Bình Thạnh) với 20 ca dương tính; chuỗi dịch tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với 25 ca COVID-19 gồm 17 bệnh nhân và 8 thân nhân; chuỗi cửa hàng Satra Food (địa chỉ 20-22 Châu Văn Liêm, Phường 10, Quận 5) với 10 ca dương tính; chuỗi lây nhiễm ở chợ đầu mối Hóc Môn - chợ Sơn Kỳ - chợ Tân Hương, trong đó riêng chợ Hóc Môn đã có 58 ca, chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) 91 ca, chợ Tân Hương (quận Tân Phú) 1 ca. Bên cạnh đó là các chuỗi liên quan chợ Bình Điền (Quận 8) với 56 ca; chuỗi vựa ve chai Đề Thám (Quận 1) với 145 ca; chuỗi liên quan Công ty Lạc Tỷ An Lạc (Bình Tân) có 91 ca...

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nêu rõ, do tác nhân gây bệnh đợt này của thành phố là chủng virus Delta (lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ) có khả năng lây lan nhanh, nên công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trong khi một người mắc bệnh do virus chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người thì chủng biến thể Alpha (B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên ở Anh và hiện đã được ghi nhận ở 170 quốc gia) có thể lây cho đến 7 người, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Hiện nay, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, các ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục được phát hiện từ các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Mỗi ngày có từ 25 - 62 ca phát hiện qua khám sàng lọc, tổng cộng đã có 530 trường hợp được phát hiện trong bệnh viện. Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối… Đặc biệt, sự lây lan của những chuỗi bệnh liên quan đến các chợ cho thấy việc giao lưu, tiếp xúc trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống hiện nay không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Cùng chung nhận định, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng tình hình dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thành phố vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh… Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo thành phố sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Công tác xét nghiệm cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của UBND thành phố, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng, chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư. Tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, đảm bảo trả kết quả đúng hẹn. Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan rộng, lan nhanh trên diện rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, sáng nay Bộ Y tế đã phân bổ 400.000 liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh, việc triển khai tiêm vaccine diện rộng cần có kế hoạch cụ thể, an toàn cho người dân.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp. Thành phố cần phấn đấu, quyết tâm để đến cuối tháng 7/2021dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh cần rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới. Các quận, huyện cần chủ động căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn quản lý để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của UBND thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu thấy thực sự cần thiết. Phát huy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, Tổ COVID cộng đồng qua việc triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch của thành phố.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vaccine diện rộng cần được tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người. Đồng thời, thành phố phải tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đợt dịch lần 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước, có thời điểm thành phố ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các sở, ngành, quận, huyện tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch từ 29/6 đến 10/7/2021 đã được UBND thành phố ban hành. Trong đó, chú trọng sự phối hợp, tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận, tạo sự thống nhất, đồng đều trong phòng, chống dịch bệnh; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện trong việc chủ động đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp tình hình địa phương, theo phương châm “5 tại chỗ”.

Thành phố đã phân các nhóm nguy cơ thành: Nhóm nguy cơ rất cao - Nhóm nguy cơ cao - Nhóm nguy cơ  đối với từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bện; thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có ca F0, tăng cường sử dụng test nhanh, tăng năng lực truy vết...

Hiện nay, số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị tăng rất nhanh, Thành phố đã chuẩn bị phương án có 10.000 giường điều trị. Thành phố đã và đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Công thương có phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân trong tình hình tạm dừng hoạt động một số chợ truyền thống, siêu thị để phòng, chống dịch bệnh.

Đinh Hằng (TTXVN)
Hỗ trợ ăn ở cho trên 1.000 y, bác sỹ từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh chống dịch
Hỗ trợ ăn ở cho trên 1.000 y, bác sỹ từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh chống dịch

Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) sẽ hỗ trợ phục vụ lưu trú, ăn uống... cho trên 1.000 y, bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa từ các tỉnh tình nguyện đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN