Tính đến cuối tháng 6/2020, tỉnh Phú Yên ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết. Đây là số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong số các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung. Đáng chú ý, tại Phú Yên, một trẻ em đã tử vong do mắc sốt xuất huyết.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng cao từ tuần thứ 25 và tuần thứ 26 của năm 2020, vượt qua số ca mắc của năm 2019 (năm được xem là chu kỳ của dịch sốt xuất huyết) và trung bình giai đoạn 2015-2019. Địa phương có số ca mắc nhiều nhất là huyện Tuy An với 587 trường hợp (tăng 15,3% so với năm 2019). Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 57 ổ bệnh sốt xuất huyết (tăng 41 ổ bệnh so với năm 2019), phân bố tại 65/110 xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh.
Để thực hiện phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Phú Yên đã chủ động phun hóa chất sớm tại các xã, phường trọng điểm 2 lần/đợt với tổng số hóa chất đã sử dụng là hơn 1.000 lít. Tuy nhiên, các chỉ số côn trùng tại các xã, phường, thị trấn như: chỉ số bọ gậy, chỉ số muỗi/nhà sau khi xử lý ổ bệnh bằng hóa chất vẫn còn ở ngưỡng rất cao. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát ở diện rộng tại Phú Yên.
Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho biết: Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết bùng phát mạnh mặc dù không phải là năm chu kỳ là do thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Người dân địa phương còn ỷ lại vào cán bộ y tế và việc phun hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác giám sát ca bệnh trong cộng đồng còn chậm nên xử lý ổ bệnh rất khó khăn. Một số ổ bệnh phải xử lý 3 - 4 lần nhưng vẫn còn rải rác ca bệnh.
Trước những tình hình diễn biến phức tạp, tại cuộc họp bàn các giải pháp khẩn trương khống chế dịch bệnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng yêu cầu: Ngành Y tế và các địa phương xem nhiệm vụ phòng, chống sốt xuất huyết là ưu tiên để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, tránh dịch bệnh lan trên diện rộng. Y tế cơ sở củng cố mạng lưới cộng tác viên để thực hiện công tác theo dõi giám sát sốt xuất huyết; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe bằng nhiều phương thức. Đặc biệt, hiện nay tâm lý người dân vẫn còn rất chủ quan, ngành Y tế phải thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để yêu cầu diệt bọ gậy, diệt muỗi, ngủ màn…