Những y, bác sĩ viết đơn xin tiếp tục ở lại bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19

Nhiều y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã viết đơn xin gắn bó điều trị đến khi kiểm soát được dịch bệnh mới trở về. Ở nơi đây, họ đã xem bệnh nhân COVID-19, nhất là những người có chuyển biến nặng, phải thở oxy, như người thân của mình để chăm sóc, điều trị một cách tận tình nhất.

Chạy đua cấp cứu bệnh nhân nặng

Những ngày này, khi số bệnh nhân có chuyển biến nặng tăng lên, để điều trị kịp thời, giảm bớt áp lực cho bệnh viện tuyến trên, một số bệnh viện dã chiến ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã tăng số giường cấp cứu và oxy. Điển hình như Bệnh viện Dã chiến số 3.

Chú thích ảnh
Giường cấp cứu ở Bệnh viện Dã chiến 3 đã được tăng lên 70 giường để kịp thời cứu bệnh nhân chuyển nặng. Ảnh: BYT

Chiều 26/8, bác sĩ chuyên khoa I Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) cho biết: “Dù phải làm việc với công suất gấp 2 - 3 lần bình thường nhưng tinh thần từ lãnh đạo đến nhân viên ở đây luôn vững vàng. Ai cũng xác định chạy đua với thời gian để cấp cứu người bệnh là quan trọng nhất”.

Theo bác sĩ Công, bệnh viện đi vào hoạt động đầu tháng 7 với trên 2.500 giường. Trong ngày 26/8 có 100 bệnh nhân được điều trị khỏi và cho xuất viện. Trong số này có nhiều người từng phải vật lộn với máy thở oxy.

Xuyên ngày đêm các y bác sĩ phải lo cả về dinh dưỡng, thuốc men, động viên tinh thần. Tổng cộng đến nay, bệnh viện đã điều trị khỏi, cho xuất viện về nhà 4.600 ca bệnh.

 Ô xy là yếu tố sống còn trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Bằng quyết tâm cao nhất để điều trị tốt ngay từ khi người bệnh có chuyển biến xấu, Bệnh viện Dã chiến số 3 đã nâng công suất phòng cấp cứu, thở ô xy từ 25 giường lên 70 giường. Hiện tại có 64 giường có bệnh nhân, trong đó có 10 ca nặng phải thở HFNC, còn lại thở ô xy mũi và ô xy mask.

Theo cán bộ và y bác sĩ tại đây, đã bước chân vào bệnh viện dã chiến thì tất bật không có ngày nghỉ, quên luôn khái niệm cuối tuần. Có hôm phải lùa vội cơm chan canh để kịp đến bên giường cấp cứu chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người vượt qua được hiểm nguy lại như một liều thuốc tinh thần dành cho y bác sĩ.

“Khi nào hết dịch, tôi mới về”

Ngay sau khi Bệnh viện Dã chiến số 3 đi vào hoạt động 1 ngày thì ngày 8/7 y bác sỹ đã làm việc tại đây, trong đó có nữ bác sĩ với dáng hình nhỏ gọn Phạm Trường An - Phó Trưởng Khoa lâm sàng trực tiếp cùng kíp y bác sỹ điều trị cho bệnh nhân. Đến nay, sau gần 2 tháng vất vả, bác sĩ An được xem xét cho trở về bệnh viện nơi chị đang công tác để điều trị các bệnh nhân mắc những căn bệnh thông thường. Nhưng chị đã viết đơn tình nguyện ở lại Bệnh viện Dã chiến số 3 để tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Tinh thần y bác sĩ luôn vững vàng để cùng người bệnh vượt qua dịch bệnh. Ảnh: BYT

Bác sĩ Phạm Trường An bộc bạch: “Trong môi trường này, nhiều áp lực công việc và hàng ngày ngoài chuyên môn còn đi lấy đồ ăn, lo nước uống, lo sinh hoạt… cho bệnh nhân. Mỗi người vào đây đều không có người thân cận kề nên y bác sĩ xem như người nhà của mình. Nếu được chấp nhận, tôi nguyện ở lại điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đến khi nào hết dịch mới thôi”.

Cũng như bác sĩ An, nhiều y, bác sĩ khác ở Bệnh viện Dã chiến số 3 cũng viết đơn tình nguyện chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 đến khi nào cuộc chiến chống đại dịch này được kiểm soát.

Bác sĩ chuyên khoa I Lý Quốc Công chia sẻ: “Trong môi trường này, mỗi ngày chúng tôi đều tập rèn nghị lực nên ai cũng vững vàng. Xa gia đình, xa bạn bè thì ở đây luôn động viên nhau đồng lòng dốc tâm sức điều trị bằng cả tấm lòng quyết cứu bệnh nhân qua những nguy kịch, hạn chế tối đa để ca diễn biến nặng".

Giống như bác sĩ An, các y, bác sĩ khác sau nhiều ngày nhọc nhằn điều trị bệnh nhân COVID-19 khi được xem xét chuyển về điều trị bệnh nhân thường bác sĩ Công cũng đã viết đơn xin ở lại.

Chú thích ảnh
Tranh thủ cắt tóc ngay trong Bệnh viện Dã chiến 3. Ảnh: BYT

Bệnh viện Dã chiến số 3, khi mới thành lập chỉ nhận bệnh nhân nhẹ, chưa có triệu chứng. Tuy nhiên sau một thời gian do số ca nhiễm gia tăng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cho phép thu dung, điều trị bệnh nhân có chuyển biến nặng (ở tầng 2 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng) để giảm tải bớt cho các bệnh viện tuyến trên. Nhờ tăng cường giường cấp cứu, sự chạy đua giành giật sự sống của các y bác sĩ mà nhiều bệnh nhân đã thoát nguy kịch.

Minh Thy/Báo Tin tức - Hà Văn Đạo/Bộ Y tế
Xúc động câu chuyện các bác sĩ quyết tâm ‘hạ tầng’ cho bệnh nhân COVID-19 nặng
Xúc động câu chuyện các bác sĩ quyết tâm ‘hạ tầng’ cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Bước vào Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, chúng tôi nghe xen lẫn tiếng máy móc là những tràng ho dài, khản đặc không ngớt của các bệnh nhân COVID-19. Ở những khu điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, lằn ranh sự sống và cái chết mong manh - cũng là nơi các y bác sĩ không ngừng nghỉ chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN