Dưới cái nắng oi ả của miền Tây Nam bộ, không khí căng thẳng bao trùm bên trong phòng họp tại tầng 2 của Trung tâm hồi sức, nơi các y, bác sĩ cân não đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân nặng nhất tại đây.
Bác sĩ Lê Quang Phương - Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị, thông tin nhanh: “Bệnh nhân 24 tuổi, khi được chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực đã phải thở mặt nạ oxy túi, “bão cytokine” khiến bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, sau khi thở oxy túi không hiệu quả ngay lập tức chúng tôi cho bệnh nhân chuyển qua thở bằng máy HFNC”.
Sau khoảng nửa ngày, nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân vẫn tiếp tục giảm, hình ảnh X quang cho thấy hai phổi đã trắng mờ tổn thương nặng. Nhận thấy tình hình chuyển biến xấu, các bác sĩ đã can thiệp thở máy xâm nhập.
“Chúng tôi nỗ lực điều chỉnh dần trên máy thở cùng với đó tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp thở máy, hiện tại tình hình bệnh nhân đã được cải thiện, SPO2 (nồng độ oxy trong máu) khi nhập viện chỉ từ 40 - 50%, hiện tại đã được 90%. Tuy nhiên vẫn phải duy trì thở oxy 100% và lọc máu liên tục, trường hợp này mặc dù tuổi còn trẻ nhưng có thể trạng béo phì, thừa cân, hiện tại vẫn chưa thể nói trước được điều gì, đội ngũ y bác sĩ tại đây vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến ca bệnh và đưa ra những phương án điều trị phù hợp” - bác sĩ Phương cho biết.
Chỉ mới vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch tại Bắc Giang chưa được bao lâu, bác sĩ chuyên khoa II Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ Lê Quang Phương và các y, bác sĩ trong đoàn lại tiếp tục lên đường vào “điểm nóng” Tiền Giang.
“Là một chiến sĩ áo trắng, tôi không quản ngại khó khăn mặc dù biết rằng đây sẽ là một chuyến đi trường kỳ nhưng khi Bệnh viện có lời kêu gọi tôi lại tiếp tục xung phong lên đường tiếp sức cho miền Nam”. - bác sĩ Đào Trọng Thành chia sẻ khi chúng tôi gặp anh tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) Tiền Giang.
Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chi viện cho Tiền Giang gồm 9 người trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Trung tâm Hồi sức tích cực đầu tiên của Tiền Giang thuộc tầng thứ 3 của tháp điều trị hiện đang thu dung 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch, trong đó hơn 20 bệnh nhân đang thở máy dòng cao (HFNC). Hằng ngày anh và đồng đội phối hợp với các nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức của tỉnh tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 thăm khám và làm thủ thuật ở tầng cao nhất trong mô hình tháp điều trị. Niềm vui lớn nhất của các y bác sĩ là đến nay đã có 5 bệnh nhân hồi phục và được “hạ tầng” thành công, chuyển xuống các bệnh viện dã chiến.
Đồng hành cùng các bác sĩ trong đoàn chi viện, điều dưỡng Phạm Quốc Huy - Khoa Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị tâm sự: “Ở đây các bệnh nhân đều là những ca bệnh nặng phải thở máy, các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với người nhà... đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi, bởi vì được đến những cơ sở điều trị mới, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác nhau và học hỏi thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, về phía địa phương cũng hết sức nỗ lực cùng với đoàn trong công tác chăm sóc, điều trị, khiến mọi việc đều thuận lợi”.
Nhận được sự chi viện kịp thời của Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Bình - Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, đồng thời cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực xúc động: “Bệnh viện chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với Trung ương trên tinh thần hết lòng cứu chữa cho người bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đã hướng dẫn các nhân viên y tế, bác sĩ ở đây cách chăm sóc, điều trị bằng máy thở, nhờ thế mà nhiều bệnh nhân đã có tiến triển tốt, hi vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người bệnh được chuyển tuyến, hạ tầng điều trị thành công.”
Sau một tuần khánh thành, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16 (đường Đào Trí, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng. Đến ngày 15/8, đã có 20 ca đã hồi phục, chuyển nhẹ dần. Các bệnh nhân khác được áp dụng đúng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Vì là tuyến điều trị bệnh nặng nên y bác sĩ tại đây bất kể ngày đêm đều luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận, đưa vào điều trị bệnh nhân khẩn trương nhất. Từng phòng cấp cứu đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Bất cứ biến chuyển nào của bệnh nhân đều nắm được ngay để có hướng điều trị hợp lý.
Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu vào nhiều cùng một lúc thì sẽ huy động tối đa lực lượng để ứng phó. Đội ngũ y bác sĩ tại đây đều là hàng đầu trong điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp, cấp cứu. Phân luồng, chống nhiễm khuẩn cũng làm rất khoa học.
Với Trung tâm Hồi sức cấp cứu hiện đại chia các phân khu hoàn chỉnh nên khi tiếp nhận bệnh nhân cũng kịp thời. Bên cạnh đó Bệnh viện Bạch Mai đã tức tốc xây dựng danh mục thiết bị thuốc, kỹ thuật, sinh phẩm cùng lượng máy móc để chuyển vào từ Bộ Y tế; Bệnh viện Bạch Mai; Tổng kho ở TP Hồ Chí Minh nên hy vọng đáp ứng được việc điều trị các ca bệnh nặng.
Để điều trị tốt nhất, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào 250 y bác sĩ hàng đầu về hồi sức tích cực. Bên cạnh đó là các chuyên gia từ hàng loạt cơ sở y tế khác. Trong ít ngày tới sẽ có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ các nơi chi viện đến. Được biết, tổng số giường của Bệnh viện Dã chiến 16 là gần 3.000 giường, trong đó có 500 giường hồi sức tích cực
Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cho biết: Để đáp ứng tối số lượng 500 giường này thì vẫn cần bổ sung thêm nhân lực, nhất là về lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Bệnh nhân COVID-19 có đặc thù chuyển biến nhanh nên hiện tại các y bác sĩ đều phải tăng công suất.
Đợt dịch lần thứ 4 và cũng là đợt dịch có diễn biến phức tạp nhất tính đến nay với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục, các y bác sĩ xung phong vào “điểm nóng” luôn có được sự động viên to lớn từ gia đình và bệnh viện.
Để thuận tiện nhất cho công tác phân loại và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 Bạch Mai công khai điện thoại đường dây nóng là: 0787 515 940 và 02835 358 553.
Xuyên ngày đêm túc trực điều trị bệnh nhân, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn chia sẻ: Đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã đến rất nhiều “chiến trường” để chiến đấu với COVID-19 như: Đà Nẵng; Hải Dương; Bắc Giang ở đâu cũng rất nỗ lực khống chế dịch bệnh. Lần này vào TP Hồ Chí Minh thấy thực sự số lượng bệnh nhân và quy mô nhiễm bệnh ở đây cực lớn. Số ca mắc, số nguy kịch rất nhiều. Đó cũng là lo lắng và trăn trở hàng ngày của các thầy thuốc để làm sao cứu được nhiều người nhất. Đây khát khao của đội ngũ y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai cũng như các lực lượng khác.
Đến Khu Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng COVID-19 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (đặt tại phường Phú Chánh, Thị xã Tân Uyên), chúng tôi được tận mắt chứng kiến, bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Trung ương Huế thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực cho một bệnh nhân. Bệnh nhân này mới được chuyển đến ngày hôm trước, nhưng chuyển nặng rất nhanh.
Trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 kín mít, 2 y, bác sĩ thay nhau ép tim cho bệnh nhân. Mồ hôi rịn nhòe sau lớp kính bảo hộ. Đầu giường chiếc máy thở đèn đỏ nháy liên tục, tiếng bíp, bíp kêu dồn dập. Sự căng thẳng trong khu điều trị lên đến nghẹt thở.
Đối với y, bác sĩ ở đây, những ngày “chiến đấu” này thật là đáng nhớ. Bởi ca trực nào họ cũng phải đối diện với “tử thần”, nỗ lực đến giây phút cuối cùng với hy vọng níu kéo bệnh nhân ở lại.
Mỗi ca bệnh nặng lại có những ấn tượng riêng trong những ngày nằm điều trị. Trường hợp bệnh nhân N.T.L, 57 tuổi, viêm phổi ARDS rất nặng, bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh và được các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương theo dõi điều trị. Bệnh nhân phải thở máy, sau thời gian điều trị tích cực đã hồi phục và được “hạ tầng” xuống tầng 2.
“Ngày nào chuyển được từ 2 đến 3 bệnh nhân xuống tầng dưới là những ngày đó niềm vui ngập tràn” - bác sĩ chuyên khoa II Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế ở Bình Dương cho biết. “Chia tay bệnh nhân nặng, nhận lời cảm ơn từ người bệnh, chúng tôi vô cùng xúc động. Đó là những thứ quý giá nhất mà người làm nghề y như chúng tôi luôn mong có được”.
19 y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế thuộc các chuyên ngành như gây mê hồi sức, hồi sức tích cực, nội, kiểm soát nhiễm khuẩn đã có mặt tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương đặt tại phường Phú Chánh, Thị xã Tân Uyên từ ngày 26/7. Họ đang nỗ lực hết sức để cứu các bệnh nhân nặng tại đây.
Những ngày tham gia điều trị cho người bệnh COVID-19, cùng cách ly với người bệnh cũng là khoảng thời gian đầy cảm xúc của các thầy thuốc. Nơi đây chỉ có bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh; mọi sinh hoạt, hỗ trợ người bệnh đều do nhân viên y tế lo, họ đã trở thành người thân của nhau.
Bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên cho biết thêm: Khu điều trị bệnh nhân nặng COVID-19 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương được cải tạo lại từ Bệnh viện Tâm thần của địa phương. Bệnh viện này mới được xây xong, chưa đưa vào sử dụng đã được “trưng dụng” là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay khi Bình Dương có dịch.
Vì là nơi điều trị bệnh nhân tâm thần, nên các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng nhiều đồng nghiệp được tăng cường đã ngồi lại với nhau bàn phương án cải tạo thành khu hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.
Họ phải bắt đầu lại từ con số 0: Thiết lập mới hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo từ bệnh nhân sang y, bác sĩ và giữa các nhân viên y tế, cải tạo lại hệ thống oxy y tế phù hợp với các máy thở HFNC liều cao…
Bệnh nhân được chuyển đến Khu Hồi sức tích cực (ICU) đều có tình trạng bệnh đã rất nặng, biểu hiện suy hô hấp kèm theo suy chức năng các cơ quan hoặc hôn mê cần thở máy. Nơi đây dường như là ngưỡng cuối cùng để cứu sống một bệnh nhân. Các bác sĩ ở đây phải “chiến đấu” để giành sự sống cho những bệnh nhân với máy móc, dây nhợ gắn đầy người đang cố duy trì từng hơi thở. Công việc Khu Hồi sức tích cực đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm ngặt, vì nơi này có khả năng lây nhiễm chéo rất cao.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 với tinh thần cao nhất, mong muốn tất cả bệnh nhân đều sẽ được khỏi bệnh. Cũng như nhiều thầy thuốc của cả nước tình nguyện vào tâm dịch, chúng tôi nỗ lực làm hết sức mình với mong muốn cứu chữa người bệnh tốt nhất, cuộc sống sớm trở lại bình thường”, bác sĩ Tuyên chia sẻ.
Đã có những tiếc nuối, xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi, nhưng cùng với đó là niềm vui, sự hạnh phúc khi có nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhiều bệnh nhân nặng được “hạ tầng” bằng những nỗ lực chăm sóc, điều trị, giành lại sự sống cho người bệnh của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Bài: Lê Sơn/Báo Tin tức - Hà Văn Đạo, Anh Văn, Trung Sơn/Bộ Y tế
Ảnh: TTXVN, Bộ Y tế
Trình bày: Tuệ Thy
18/08/2021 07:22