Giới chức thành phố Tokyo cho biết người đàn ông này đã từng ra nước ngoài và hiện đang nhập viện. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện ổn định.
Trước đó, ngày 25/7, Nhật Bản xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này, là một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở Tokyo. Bệnh nhân trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 đã đi du lịch ở một nước châu Âu. Tại đây, người này có tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này và yêu cầu công dân nước này trên khắp thế giới thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng chống lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo những công dân có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở bên ngoài Nhật Bản phải đặc biệt lưu tâm.
Nhật Bản cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt đối phó với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ do Phó Chánh văn phòng Nội các phụ trách Quản lý Khủng hoảng Takashi Murata đứng đầu. Lực lượng này đã tổ chức cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 25/7 và đưa ra chiến lược phòng chống sự lây lan của căn bệnh này.
Trong khi đó, mặc dù chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng Ethiopia đã chủ động tăng cường các biện pháp giám sát.
Tổng Giám đốc Viện y tế công cộng Ethiopia, Mesay Hailu cảnh báo khả năng cao dịch bệnh sẽ xảy ra tại nước này và cho biết Ethiopia sẽ tăng cường kiểm tra, sàng lọc du khách đến sân bay Quốc tế Addis Ababa Bole và người tị nạn vào nước này tại 20 cửa khẩu biên giới.
Ông cũng cho biết khoảng 50 phòng thí nghiệm đã được thành lập trên khắp đất nước để phát hiện virus gây bệnh, đồng thời thừa nhận tình trạng thiếu bộ xét nghiệm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 27/7 cho biết, hiện có hơn 18.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, trong đó hơn 70% đến từ khu vực châu Âu và 25% từ châu Mỹ.