Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, tính đến sáng 5/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 241 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue tại 14/21 huyện, thành phố, thị xã. Địa phương ghi nhận ca mắc nhiều nhất là Nghi Lộc với 78 ca.
Trước đó, ngày 24/5/2022, Nghệ An ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết Dengue đầu tiên tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Tiếp đó, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 15 ổ dịch (cấp xã) thuộc 7 địa phương như Nghi Lộc, Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Yên Thành. Hiện nay, có 10 ổ dịch còn ghi nhận ca mắc mới.
Trước diễn biến phức tạp của sốt xuất huyết, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Y tế đã ban hành các kế hoạch, công văn về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết Dengue.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An và các huyện, thành, thị tích cực thực hiện giám sát trọng điểm phòng, chống sốt xuất huyết định kỳ hàng tháng tại 24 xã thuộc 5 huyện. Kết quả, có 6 xã thuộc 3 đơn vị (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hoàng Mai) có chỉ số véc-tơ vượt ngưỡng cảnh báo dịch.
Qua giám sát, cơ quan chuyên môn đã có ý kiến tham mưu cho các địa phương chỉ đạo thực hiện giải pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ véc-tơ truyền bệnh; cấp hóa chất diệt véc-tơ truyền bệnh và muỗi trưởng thành; triển khai 4 lớp tập huấn phòng, chống bệnh truyền nhiễm, phòng, chống sốt xuất huyết.
Hiện nay, công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn khi địa bàn tỉnh rộng, dân số đông, hệ thống giao thông đa dạng; điều kiện khí hậu thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển; người dân còn chủ quan lơ là. Đây là những yếu tố, nguy cơ khiến sốt xuất huyết lan rộng, bùng phát trong mùa mưa tới.
Dự báo, thời gian tới, bước vào mùa mưa, nguy cơ gia tăng ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng cần chủ động, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, các địa phương cần xây dựng kịch bản phòng, chống sốt xuất huyết toàn huyện. Các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư phòng, chống dịch; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền. Cùng với đó là phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở, qua đó làm thay đổi ý thức người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
“Bên cạnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết, các cơ sở y tế cũng lên kịch bản điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại đơn vị và tại các trạm y tế, hạn chế thấp nhất bệnh nhân mắc nặng, tử vong”, ông Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông tin thêm.