Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về “Lao kháng thuốc” với những thông tin chi tiết hơn về sự nguy hiểm, hệ lụy của lao kháng thuốc, đồng thời làm rõ những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Bài 1: Gánh nặng bệnh lao kháng thuốc
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Không chỉ gây ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng mà bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc còn gây ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội.
Nguồn lây nguy hiểm
Bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO,) mỗi năm trên thế giới vẫn có khoảng 10,6 triệu người mắc lao và 1,5 triệu người tử vong do lao, tương đương trung bình mỗi ngày có trên 4.100 người tử vong và khoảng 30.000 người mắc bệnh.
Báo cáo của WHO cũng cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca mắc lao mới, trong đó có khoảng trên 5.000 ca lao kháng thuốc, tuy nhiên nước ta mới phát hiện, đưa vào điều trị được khoảng trên 4.000 ca. Căn bệnh này cũng khiến khoảng 14.200 người tử vong mỗi năm.
Dữ liệu giám sát gần đây cho thấy, tỉ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, với khoảng 8.900 trường hợp lao kháng Rifampicin (thuốc quan trọng hàng đầu trong phác đồ điều trị lao nhạy cảm) và kháng đa thuốc mắc mới mỗi năm. Lao kháng thuốc hiện được coi là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng ở nước ta.
Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao đột biến, kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở lên rất khó khăn, không hiệu quả. Mặc dù đang trong quá trình điều trị song các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm… ở người bệnh không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các biểu hiện tăng nặng hơn, nguy hiểm hơn so với khi mới phát hiện bệnh. Bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng.
Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Văn Lượng chia sẻ: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc là do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, quên thuốc, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian, không tái khám. Một số trường hợp do hít phải vi trùng lao kháng thuốc từ các nguồn lây khác sẵn có trong cộng đồng… Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, chỉ kháng một loại thuốc nhưng có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc. Nhưng nhìn chung các thể lao kháng thuốc đều hết sức nguy hiểm.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Văn Lượng, tuy được coi là "kẻ giết người thầm lặng", nhưng bệnh lao thông thường có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt tới trên 90%. Nhưng với lao kháng thuốc, việc điều trị khỏi bệnh khó khăn hơn nhiều. Ngoài việc phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt với nhiều loại thuốc, thì thời gian điều trị cũng kéo dài hơn và tỷ lệ khỏi bệnh chỉ khoảng 65 - 70%.
Đặc biệt, nếu mắc lao siêu kháng thuốc, người bệnh có thể phải điều trị theo phác đồ dài hạn tới 20 tháng với những thuốc khá độc tính, hàng loạt tác dụng phụ của thuốc, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhiều trường hợp không thể tiếp tục điều trị do các biến cố bất lợi từ thuốc gây lên.
Bệnh lao kháng thuốc có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu bệnh nhân không được phát hiện, điều trị sớm thì tổn thương ở phổi hay các cơ quan bị lao sẽ lan ra nhiều bộ phận khác, đồng nghĩa với khả năng phục hồi kém hơn, gặp biến chứng nhiều hơn. Đặc biệt, người bệnh sẽ trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng, gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Theo ước tính, lao kháng thuốc đã gây ra cái chết cho hàng trăm người ở nước ta mỗi năm.
Nhiều hệ lụy khôn lường
Do thời gian điều trị dài, khó khăn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn nên chi phí điều trị lao kháng thuốc cao gấp hàng chục lần so với điều trị người bệnh lao thông thường.
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Phụ trách chuyên môn, Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, hầu hết các bệnh nhân lao đều bị ảnh hưởng bởi “chi phí thảm họa”. Khi mắc lao, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như bị hạn chế trong công việc, giao tiếp, mất thời gian lao động để kiếm sống, gây ảnh hưởng chung tới cuộc sống của người bệnh.
Theo ước tính, có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh lao. Đáng chú ý là có 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động và 20.000 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 70% bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trung bình một người mắc lao sẽ mất ít nhất từ 3 - 4 tháng lao động. Điều này đã đưa người bệnh vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật.
Để giải quyết vấn đề trên, từ tháng 7/2022, thuốc chống lao đã được nguồn quỹ Bảo hiểm y tế cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc. Đây là cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh; thể hiện sự nhân văn của chính sách. Người bệnh đã có thể sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để vừa đi khám bệnh khác vừa sử dụng thuốc điều trị lao trong khi các quyền lợi vẫn được đảm bảo như trước.
Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng, và đất nước nói chung.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, người bệnh cần thực hiện thật tốt 4 điểm: Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cho những trường hợp lao nhạy cảm; tăng cường sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp mắc lao, đặc biệt là lao kháng thuốc trong cộng đồng với mũi nhọn là chiến lược 2X. Đồng thời, cơ sở y tế phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị tốt các trường hợp mắc lao kháng thuốc; sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao và lao kháng thuốc trong nhóm người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Tiến sỹ, bác sỹ Đinh Văn Lượng cũng lưu ý, để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh, người bệnh thể lao phổi kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh cần có ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, thường xuyên đeo khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày để hạn chế lây lan vi khuẩn lao ra cộng đồng. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi nói chung, đặc biệt là lao phổi kháng thuốc cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao; điều trị sớm nhất để nâng cao hiệu quả điều trị, cắt đứt nguồn lây lao và lao kháng thuốc trong cộng đồng.
Bài cuối: Nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị