Riêng 1 tuần (từ ngày 4 - 10/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước), cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 254 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, giảm 41 ca so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn. Cũng trong thời gian trên, thành phố ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 57% so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc tay chân miệng là 1.028 ca (tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, số người mắc cúm A gia tăng, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền, cá biệt có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh xuất hiện chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngoài ra còn nhiều người khác có triệu chứng tương tự. Bệnh viện này ghi nhận bệnh nhân nữ (78 tuổi), sống tại Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và cho thở máy.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 7, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã.
Để tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa có công văn gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; giao chỉ tiêu tiêm chủng tới xã, phường, thị trấn; thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân. Cùng với đó là phát huy tính chủ động, gương mẫu của các cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công nhân viên chức, người lao động trong việc tiêm vaccine; tổ chức chiến dịch tiêm vaccine tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch...
Để ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát, Hà Nội huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt lực lượng cán bộ tại tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia phòng, chống sốt xuất huyết, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ. Cùng với đó là triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy)…
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng phòng, chống dịch, trong đó tập trung đảm bảo bao phủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các địa phương kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên/tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng/đội xung kích diệt lãng quăng (bọ gậy); tiếp tục rà soát, thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết Dengue và đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở…
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh. Khi có các triệu chứng như sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi, diễn biến nặng hơn là viêm phổi, bệnh nhân cần được chẩn đoán để phân biệt với mắc COVID-19. Trong giai đoạn mùa dịch, mỗi người dân cần có biện pháp để bảo vệ đường hô hấp trên, nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có biểu hiện cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi...