Theo UBND thành phố Hà Nội, ngày 6/3/2020, Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn là người nhập cảnh từ châu Âu về Hà Nội. Cùng với cả nước, Hà Nội đã trải qua 4 đợt dịch với các quy mô, mức độ khác nhau trong đó đợt dịch thứ tư là phức tạp nhất.
Theo số liệu mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, tổng cộng cả 4 đợt dịch, thành phố có gần 1,7 triệu người mắc (trong cộng đồng và nhập cảnh); số người tử vong là 1.347.
Theo dự báo, dịch COVID-19 diễn ra trên địa bàn cả nước và Hà Nội vẫn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn với mục đích là bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
UBND thành phố phấn đấu giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19; đảm bảo việc quản lý COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
UBND thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch; nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch và xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên cơ sở thực tế đảm bảo đáp ứng tốt các tình huống dịch đột xuất xảy ra.
Xây dựng và triển khai thực hiện lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng Quốc gia; hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.
Rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19,...
Thành phố cũng lên phương án cụ thể cho công tác chuyên môn như: công tác giám sát, điều trị, tiêm chủng vaccine, dự phòng cá nhân, truyền thông, công nghệ thông tin, hậu cần…
UBND thành phố giao Sở Y tế là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố; rà soát, nghiên cứu tham mưu các giải pháp phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình thực tiễn trên địa bàn; thường xuyên cập nhật tình hình dịch, đánh giá xác định nguy cơ dịch để tham mưu triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp.