Chuyên gia cảnh báo không tự ý điều trị cúm bằng Tamiflu​​

Trước diễn biến dịch cúm đang phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhiều người dân đã đi tiêm phòng vaccine và tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị. Song, theo các chuyên gia, người dân không nên dự trữ và tự ý điều trị cúm bằng Tamiflu, bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Chú thích ảnh
Người dân tiêm vaccine phòng cúm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều người dân đi tiêm vaccine phòng cúm

Theo dõi thông tin về dịch cúm trên báo chí và mạng xã hội, chị Vũ Trần Cẩm Tú (35 tuổi, ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) vô cùng lo lắng: “Gia đình tôi có hai người cao tuổi và hai cháu nhỏ nên nghe tin về dịch cúm thì rất lo. Mấy ngày qua, cả nhà tôi đã tiêm đầy đủ vaccine cúm cũng như tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang khi ra đường, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao đề kháng”.

Tương tự như gia đình chị Tú, nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua đang tăng cao. Tại các đơn vị tiêm chủng như Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu… đều ghi nhận lượt người dân đến tiêm vaccine tăng lên từ 20%-50% so với thời điểm cuối năm 2024.

Bác sĩ Lê Thanh Khôi, Trưởng Hội đồng Y khoa, Hệ thống Nhà thuốc và Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, trong đó có viêm phổi. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vaccine cúm là rất quan trọng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chủng virus gây ra bệnh cúm tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay không phải là virus mới, độc lực cũng không thay đổi. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết lạnh kéo dài hơn nên là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển và lây lan. Ở các nước ôn đới và hàn đới, virus cúm khiến nhiều người tử vong, nhất là những người có nguy cơ. Còn tại Việt Nam, thời tiết khu vực miền Bắc đang lạnh nên nhiều người dễ mắc cúm hơn, còn ở khu vực miền Nam nắng ấm hơn nên số người mắc bệnh không nhiều.

Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Thành phố ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng, trong đó có 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc cúm giảm so với thời điểm cuối năm 2024, tương đương so với cùng kỳ các năm trước. Hiện có 20 trường hợp mắc cúm đang được điều trị nội trú tại các bệnh viện. “Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm”, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Về sự cần thiết tiêm vaccine phòng cúm, theo bác sĩ Khanh, những đối tượng nguy cơ như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn tuổi, người có bệnh nền...) cần được tiêm vaccine phòng cúm, bởi nhóm này nếu mắc cúm sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng. Bên cạnh đó, nhóm người lớn nhưng hay mắc bệnh vặt, người lớn khỏe mạnh nhưng thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ cũng nên tiêm vaccine phòng cúm.

Tự ý điều trị cúm bằng Tamiflu rất nguy hiểm

Lo sợ trước dịch cúm, bên cạnh tiêm vaccine, nhiều người dân còn có tâm lý tìm mua thuốc điều trị cúm là Tamiflu để dự phòng. Sau nhiều lần tìm mua Tamiflu tại các nhà thuốc nhưng đều nhận được thông báo hết hàng, chị Phan Thị Huỳnh Thùy Dương (ngụ quận Phú Nhuận) đã đặt mua trên mạng với giá gần 800 ngàn đồng/hộp 10 viên. “Mấy ngày nay thấy nhiều người tìm mua Tamiflu để điều trị cúm nên tôi cũng mua một hộp để phòng hờ dù hiện gia đình tôi chưa ai mắc cúm. Có sẵn thuốc trong nhà mình cũng thấy yên tâm hơn”, chị Dương chia sẻ .

Thực tế, những ngày qua, nhu cầu mua thuốc Tamiflu tăng cao khiến một số nhà thuốc không còn mặt hàng này để bán. Khảo sát tại một số nhà thuốc tại Quận 3, Quận 8, quận Phú Nhuận… đều nhận được câu trả lời hết Tamiflu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, Tamifu là thuốc kháng virus giúp ức chế sự phát triển và nhân lên của virus, nhưng đây là loại thuốc chỉ mang lại hiệu quả trong 48 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng, nếu sử dụng muộn hơn thì không còn tác dụng. Thuốc chỉ được sử dụng cho những trường hợp bệnh nặng, người có bệnh lý nền. Đây là loại thuốc cần được sử dụng theo chỉ định của các bác sĩ, người dân không nên tự ý dùng, sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm.

“Việc sử dụng Tamiflu bừa bãi không những không có tác dụng mà còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc. Một khi đã rơi vào tình trạng kháng Tamiflu thì sẽ rất khó tìm loại thuốc khác thay thế. Bên cạnh đó, một tác dụng phụ nguy hiểm hơn đó là thuốc có thể gây ảnh hưởng đến tâm thần. Y văn ghi nhận, có một số người từng uống Tamiflu có dấu hiệu “dọa tự tử”. Do đó, người dân không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Liên quan đến tình hình cung ứng thuốc Tamiflu, đại diện Hệ thống nhà thuốc Pharmacity cho biết, trong bối cảnh dịch cúm hiện nay, đơn vị ghi nhận nhu cầu rất cao về các loại thuốc phòng ngừa và chữa trị bệnh cúm, trong đó có Tamiflu. Để đảm bảo đủ thuốc cung cấp trong mọi tình huống, hệ thống đã có kế hoạch về việc đảm bảo nguồn thuốc với nhà cung cấp từ trước. Hệ thống nhà thuốc Pharmacity cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, không điều chỉnh giá các loại thuốc đặc trị, đáp ứng nhu cầu của người dân trong mọi tình huống, đặc biệt là trong giai đoạn có nguy cơ bùng phát dịch cúm như hiện nay.

“Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng virus phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ. Người dân không nên tự trữ và sử dụng ở nhà, thuốc chỉ có hiệu quả khi sử dụng đúng thời điểm và đúng chỉ định với tình trạng lâm sàng được bác sĩ xem xét kỹ”, đại diện hệ thống nhà thuốc Pharmacity khuyến cáo.

Ngoài sử dụng Tamiflu, thông tin “đặt một củ hành tây trong tô nước và để trong phòng sẽ giúp hút hết virus cúm” cũng đang lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều người dân áp dụng. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đây là thông tin chưa được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học chứng minh.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi mắc cúm, người dân nên nghỉ ngơi, không hoạt động thể lực quá mức, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, cố gắng ăn uống để nâng đề kháng. Những đối tượng nguy cơ khi có các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ, ho nhiều, sổ mũi, tổng trạng mệt mỏi… cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh cúm, người dân cần đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe…

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Bệnh nhân cúm mùa tăng, bác sĩ hướng dẫn phòng tránh bằng y học cổ truyền
Bệnh nhân cúm mùa tăng, bác sĩ hướng dẫn phòng tránh bằng y học cổ truyền

Trong thời điểm cúm mùa đang bùng phát mạnh hiện nay, khiến số bệnh nhân mắc và nhập viện tăng cao, cùng với tiêm phòng và sử dụng thuốc điều trị, các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các biện pháp y học cổ truyền kết hợp hỗ trợ phòng tránh bệnh cúm hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN