Riêng trong 3 ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết, phòng Tiêm chủng CDC Quảng Bình đã tư vấn, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho 50 người, trong đó có 14 người tiêm mũi đầu tiên do chó cắn trong dịp nghỉ Tết.
Nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ chó mèo cắn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã có công văn về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm năm 2024, trong đó phấn đấu tiêm vaccine dại đạt 100% trong diện tiêm. Các địa phương chỉ đạo UBND từng xã, phường, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền, lồng ghép vào cuộc họp, hội nghị, trên hệ thống phát thanh thôn, bản, tổ dân phố về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng bệnh dại cho động vật; nâng cao trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo trong việc quản lý, giám sát, theo dõi vật nuôi; chó mèo khi đưa ra khu vực công cộng phải đeo rọ mõm, có người chăn dắt…
Các địa phương tổ chức thống kê đầy đủ, chính xác số hộ nuôi chó, mèo, tổng đàn chó, mèo hàng năm; hướng dẫn chủ hộ nuôi thực hiện cam kết chấp hành quy định về phòng, chống bệnh dại; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo trong năm 2024; xử lý nghiêm những chủ hộ nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định trong phòng bệnh dại theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo đơn vị, phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh dại động vật nhằm kịp thời phát hiện, báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y biết để tổ chức kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định bệnh và triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dại trên người; tuyên truyền, vận động người dân sau khi bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vaccine dại.
Giám đốc CDC Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo, khi bị vật nuôi hay động vật hoang cắn cào, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu, tư vấn. Một số trường hợp cần thiết sẽ tiêm dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vaccine để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc nam tại nhà khi bị chó cắn, mèo cào.
Trước đó, tại tỉnh Quảng Bình ghi nhận trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại đầu tiên của năm 2024. Người tử vong là ông N.T (Sinh năm 1956, trú xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch), bị chó thả rông cắn ở chân phải vào cuối tháng 12/2023 gây chảy máu, nhưng ông không đi tiêm phòng dại.
Đến ngày 2/2, ông T cảm thấy mệt mỏi, đau nhức lưng, tiểu rắt và được người nhà đưa đi khám, nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào ngày 3/2. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dại. Gia đình được Bệnh viện tư vấn đưa bệnh nhân về nhà, bệnh nhân tử vong vào ngày 5/2.