Các trường hợp tử vong do COVID-19 hầu hết đều là bệnh nhân có bệnh lý nền mãn tính, thở máy trong khu vực điều trị hồi sức tích cực. Kết quả điều trị khả quan là vậy, tuy nhiên những phản hồi về sự suy giảm sức khỏe của bệnh nhân hậu COVID cho thấy có một số lượng lớn các bệnh nhân chịu di chứng do COVID-19 để lại, khiến chất lượng cuộc sống giảm mạnh. Trước thực tế đó, Cần Thơ quyết định thành lập nhiều phòng khám hậu COVID-19, góp phần chăm lo sức khỏe người dân tốt hơn.
Ða khoa Trung ương Cần Thơ là Bệnh viện đầu tiên tại Cần Thơ triển khai phòng khám tầm soát, tư vấn di chứng hậu COVID-19 ở người lớn. Người bệnh được các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, tim mạch, thần kinh, phục hồi chức năng… thăm khám tầm soát, điều trị những di chứng hậu COVID-19.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Kim Đài (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), hiện tại khoa quản lý gần 3.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đã điều trị khỏi. Trong đó, nhiều trường hợp vẫn còn gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi khỏi bệnh như: mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi, khó thở, mất ăn mất ngủ, ảo giác, rối loạn nhịp tim, biến đổi sắc tố da, trí nhớ kém, đau cơ...
Sau một vài ngày đầu đi vào hoạt động, các bác sĩ tại phòng khám hậu COVID-19 ghi nhận tình trạng sức khỏe không tốt ở bệnh nhân hậu COVID-19 phần nhiều xuất hiện ở nhóm các bệnh nhân có bệnh nền. Do thời gian dài người bệnh không có điều kiện tái khám nên các bệnh nền nặng thêm. Ngoài ra, nguyên nhân còn do tâm lý lo sợ của người bệnh gây hoang mang, làm nhịp tim đập nhanh hơn bình thường, nên người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở…
"Những bệnh nhân đã từng mắc COVID-19 trên nền có bệnh lý mãn tính bắt buộc phải điều trị lâu dài như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thần kinh... sau khi khỏi COVID-19 cần tuân thủ lịch khám định kì giống như bệnh thông thường khác. Đối với nhóm bệnh nhân không có bệnh nền nhưng sau khi khỏi bệnh COVID-19, tâm trạng lo lắng, nhịp tim nhanh, khó thở, biến đổi sắc tố da… cũng cần đi khám để bác sĩ tư vấn để an tâm hơn khi quay lại cuộc sống bình thường", Bác sĩ Kim Đài khuyến cáo.
Tại phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30-50 người đến khám và điều trị các triệu chứng hậu COVID-19. Đối tượng đến khám hầu hết đều ở độ tuổi trên 30, trong đó tỷ lệ người lớn tuổi kèm bệnh nền chiếm đa số.
Theo Bác sĩ Lê Thị Thúy Nhàn, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ: Đối tượng đến phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được các bác sĩ phân thành hai nhóm: Người suy yếu thể trạng và người gặp vấn đề về tâm lý, lo lắng thái quá. Ở nhóm thứ nhất, các bác sĩ sẽ kết hợp kê thuốc kèm hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cũng như tập thể dục và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt là hướng dẫn bài tập thở. Ở nhóm đối tượng thứ hai, các bác sĩ sẽ tư vấn tâm lý, hướng dẫn người nhà các biện pháp nâng đỡ tâm lý cho bệnh nhân, cũng như giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo không khí lưu thông.
Bà Dương Thị Hoa (74 tuổi, trú tại quận Cái Răng) cho biết, bà bị đái tháo đường hơn 20 năm và không may mắc COVID-19, do đó dù đã được điều trị khỏi nhưng bà thấy sức khỏe vẫn rất kém. Do uống thuốc đái tháo đường bị gián đoạn nên các triệu chứng mất ngủ, lở loét… có vẻ tăng nặng. Nhờ có phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nên bà đã được người thân đưa đến đây khám. Các bác sĩ đã thăm khám, kê đơn thuốc và tư vấn cách sinh hoạt, ăn uống nên bà rất yên tâm.
Để nâng cao chất lượng điều trị hậu COVID-19 cho người bệnh, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, tất cả các bác sĩ đều phải cập nhật kiến thức về bệnh hô hấp từ Bộ Y tế, các hội nghị, hội thảo... từ đó áp dụng vào thực tế điều trị, giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi sức khỏe, cũng như giảm lo lắng về bệnh tật. Hiện tại, phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tiếp nhận đa phần là bệnh nhân ở thành phố Cần Thơ, không tiếp nhận các tỉnh khác. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân ở tỉnh khác đến trong trường hợp cấp cứu thì Bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị.
Ngoài điều trị hậu COVID-19 cho người lớn ở hai bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cũng triển khai phòng khám hậu COVID-19 cho bệnh nhi vì khi trẻ đi học tập trung trở lại như hiện nay, xu hướng mắc COVID-19 ở trẻ có thể gia tăng.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trương Cẩm Trinh, Khoa khám 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ nhận định: Mặc dù trẻ em có thể mắc bệnh cấp tính ít nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành, tuy nhiên hậu nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến nhiều tình trạng thứ phát, ảnh hưởng lâu dài có thể là đáng kể, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh ban đầu. Trẻ có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong vài tuần kể từ khi các triệu chứng bắt đầu. Nhưng một số trẻ sau đó vẫn có thể gặp các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. COVID-19 chủ yếu gây tổn thương phổi, nhưng cũng có thể gây tác động không tốt đối với nhiều cơ quan như tim, gan, não, thận và hệ thống mạch máu… Vì vậy nên kiểm tra sức khỏe cho trẻ vào khoảng 2 tuần sau nhiễm COVID-19. Điều này giúp đánh giá, chẩn đoán, điều trị và dự phòng các yếu tố nguy cơ của hội chứng sau nhiễm COVID-19 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Với việc thành lập các phòng khám hậu COVID-19, ngành Y tế Cần Thơ đang nỗ lực hết mình để chăm lo sức khỏe người dân. Từ đó, góp phần giữ cho thành phố ở "vùng xanh" một cách hiệu quả và bền vững.