Bắc Ninh ghi nhận 430 ca mắc bệnh tay - chân - miệng

Tính đến 20/7, Bắc Ninh ghi nhận 430 trường hợp mắc tay – chân - miệng, tăng hơn 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. TP Bắc Ninh là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 153 ca, huyện Quế Võ 53 ca và huyện Yên Phong 64 ca.

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan, nhất là bệnh tay – chân - miệng. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã tâp trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh chân tay miệng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, tính đến 20/7, toàn tỉnh có 430 trường hợp mắc tay – chân - miệng, tăng hơn 100 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Thành phố Bắc Ninh là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 153 ca, huyện Quế Võ 53 ca và huyện Yên Phong 64 ca. Toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay – chân - miệng. 

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Khắc Từ lý giải: Bệnh tay – chân - miệng là loại bệnh truyền nhiễm, sau thời gian nghỉ giãn cách xã hội, số lượng trẻ đến trường tăng nên khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng tăng đột biến. Bệnh hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên có nguy cơ diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, với phương châm không chủ quan với dịch, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi mắc và đã mắc bệnh kịp thời để có phương pháp xử lý nhanh, chống bệnh diễn biến nặng và lây lan ra cộng đồng. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh tay – chân - miệng; các biện pháp phòng chống cho cộng đồng và gia đình; phát động chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh và hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân”. Một trong những biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh là phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mầm non. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị trên địa bàn trong việc điều tra giám sát, tổ chức cách ly điều trị, hạn chế tối đa hiện tượng lây chéo trong bệnh viện; đồng thời rà soát, bổ sung số lượng thuốc, vật tư, hoá chất cho các cơ sở y tế nhằm chủ động phòng chống khi có dịch xảy ra, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Khắc Từ cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Khắc Từ cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi sinh hoạt cho trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một trong những giải pháp tích cực phụ huynh cần áp dụng là tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho trẻ. 

Song song với các biện pháp phòng chống dịch tay – chân - miệng, công tác kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn cũng được tỉnh Bắc Ninh chú trọng. Tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 15 trường hợp mắc sởi, hơn 1.400 trường hợp mắc cúm… các trường hợp trên đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Ngành y tế tỉnh luôn chú trọng công tác tiêm phòng cho trẻ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng...

Thanh Thương (TTXVN)
Các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng
Các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN