Xu hướng gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng

Gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có xu hướng gia tăng, đặc biệt số ca mắc bệnh phải nhập viện điều trị tăng cao. Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp, kiểm soát gia tăng số ca mắc mới, ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc chân tay miệng đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc. 

Tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, quý I/2020 có hơn 20 trẻ đến khám do mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, hai tháng 5 và 6 đã có 422 trẻ đến khám, trong số đó có 219 ca phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tháng 7, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã lên đến 199 trường hợp, trong đó có 101 ca phải nhập viện điều trị.
 
Đã gần 1 tuần nay, chị Đỗ Thị Mai, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phải xin nghỉ việc để chăm con 3 tuổi bị bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.
Chị Mai cho biết: Khoảng 1 tuần trước, con chị sốt 39 độ, mồm đau, không ăn được, chân tay nổi nốt đỏ ửng. Sau khi khám, bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh tay chân miệng. Sau gần một tuần điều trị, cháu đã dần hồi phục và sắp được xuất viện.  
 
Bác sĩ Tạ Văn Quyết, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản -Nhi Vĩnh Phúc cho biết: số bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện trong tháng 7 tăng 4-5 lần so với các tháng trước. Hiện, Khoa đã phải chuyển các bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm khác đi để dành phòng điều trị cho riêng bệnh nhân mắc tay chân miệng.
 
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2020, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 238 ca mắc tay chân miệng, tăng 183 ca so với cùng kỳ năm 2019; chưa có trường hợp nào tử vong.
 
Chỉ tính riêng 15 ngày đầu tháng 7, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 140 ca mắc tay chân miệng. Những địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều như: Thành phố Vĩnh Yên 73 ca, huyện Vĩnh Tường 37 ca, huyện Sông Lô 27 ca, huyện Yên Lạc 27 ca…
 
Để chủ động phòng, chống bệnh chân tay miệng, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho người dân, đặc biệt là cho học sinh các trường mầm non.
 
Ngành Y tế Vĩnh Phúc khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Người dân thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà...
 
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm, chuyển thành các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch dẫn đến tử vong.

Tin, ảnh: Nguyễn Thảo (TTXVN)
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào để tránh biến chứng nặng?
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng như thế nào để tránh biến chứng nặng?

Cha mẹ cần biết cách theo dõi, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng để kịp thời điều trị cho trẻ, tránh biến chứng nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN