Yên Bái giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,4% kế hoạch

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, đến ngày 19/5, tỉnh Yên Bái đã giải ngân được trên 813,256 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 22,4% so với kế hoạch đề ra; trong đó, nguồn vốn trung ương giải ngân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 166.8 tỷ đồng, bằng 51,4%. Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương đạt 459 tỷ đồng, bằng 25,3%.

Chú thích ảnh
Một góc tuyến đường nối Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên cho biết, năm 2021, tỉnh Yên Bái đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 4.240 tỷ đồng cho 367 dự án; trong đó, kế hoạch vốn đã giao chi tiết trên 3.226 tỷ đồng cho 106 dự án hoàn thành, chuyển tiếp và 261 dự án khởi công mới.

Các huyện, thị xã, thành phố đã giải ngân trên 390,5 tỷ đồng, bằng 26,1% kế hoạch đề ra. Các sở, ban, ngành và các đơn vị cấp tỉnh đã giải ngân đạt trên 422,7 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn 18 đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19,  góp phần thực hiện Nghị quyết 84/NQ/CP,   hoàn thành “mục tiêu kép” của tỉnh Yên Bái trong năm 2021.

Dù được đánh giá là một trong số ít những tỉnh miền núi có tiến độ giải ngân khá, nhưng trong quá trình thực hiện, tỉnh Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được tỉnh Yên Bái nhận diện; trong đó, nguyên nhân chủ quan được phân tích, thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan.

Ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm nay đó là: tỷ lệ vốn giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện trong kế hoạch năm 2021 còn thấp, cho thấy khâu chuẩn bị đầu tư còn hạn chế; một số đơn vị cấp tỉnh tập trung giải ngân nốt nguồn vốn năm 2020 song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 nên tỷ lệ giải ngân đầu năm chưa cao; một số chủ đầu tư chậm trễ trong khâu lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng.

Cũng theo ông Phung, việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn được coi là nút thắt lớn, nhất là vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, di dời các công trình công cộng. Điển hình là các dự án giao thông như: dự án đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; đường nối Quốc lộ 32, Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nhận định về nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho rằng, thời tiết cực đoan, mưa lũ bất thường trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi.

Bên cạnh đó, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng phi mã trong những tháng gần đây cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dẫn đến khối lượng thanh toán thấp. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, vật tư thực hiện các dự án.

Một số nguyên nhân thuộc về cơ chế, quy định vượt thẩm quyền xử lý cấp tỉnh, nhất là các dự án được cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) còn nhiều vướng mắc. Hiện tại, nguồn vốn ODA của tỉnh Yên Bái chiếm trên 10% tổng kế hoạch vốn, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được vì vướng mắc thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay. Một số dự án đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán nhưng chưa có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu do chưa được bố trí kế hoạch vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Chính phủ giao vốn nên gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Một số dự án lớn phải điều chỉnh thủ tục đầu tư hoặc xây dựng kế hoạch đấu thầu theo luật định, đến thời điểm này chưa có khối lượng thanh toán. Việc giải ngân, rút vốn chưa linh hoạt, còn nhiều thủ tục khiến chủ dự án ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần.

Trước yêu cầu về mục tiêu tăng trưởng và khả năng giải ngân vốn thực tế trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kịch bản, lập biểu đồ điều hành tiến độ giải ngân. Theo đó, chỉ tiêu giải ngân hết quý II/2021, giải ngân tối thiểu đạt 45%, đến hết quý III/2021 giải ngân tối thiểu đạt 70%, đến hết quý IV/2021 giải ngân tối thiểu đạt 95%, đến hết niên độ ngân sách năm 2021 đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2021.

Cùng đó, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo, điều hành, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; xây dựng lịch kiểm tra định kỳ, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án.

Đồng thời, Yên Bái tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đảm bảo việc thẩm định không quá 3 ngày/hồ sơ; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đơn vị thi công vi phạm chất lượng công trình, chậm tiến độ và vi phạm hợp đồng, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không bảo đảm giải ngân theo cam kết.

Trao đổi về giải pháp chuyên môn, ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết, việc phân loại, thực hiện linh hoạt các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, dự án còn nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước và khởi công mới trong từng nguồn vốn có thể giúp xác định thứ tự ưu tiên bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí phân bổ.

Giải pháp là điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Hướng dẫn các chủ đầu tư áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng; quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch đã định.

Chú thích ảnh
Tiến Khánh (TTXVN)
Các PMU giao thông chạy đua giải ngân vốn đầu tư công
Các PMU giao thông chạy đua giải ngân vốn đầu tư công

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng hiện nay là "thước đo" hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước ngành giao thông. Sự cân, đo, đong, đếm này đang tạo ra cuộc đua giải ngân vốn giữa các Ban quản lý dự án giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN