Trên đà phát triển năng động cùng cả nước, Việt Trì vẫn giữ được cho mình nét hiền hòa vùng đất cổ, nét duyên dáng của đô thị sạch đẹp, văn minh - hiện đại, hướng đến là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Từ kinh đô Văn Lang xưa…
Bản ngọc phả Đền Hùng và ngọc phả làng Lâu Thượng (nay là xã Trưng Vương, Việt Trì) soạn từ thời Hồng Đức năm 1470 ghi rõ: “Khi tới Sơn Tây, Người thấy một vùng đất có ngàn ngọn núi quay về, vạn dòng sông tụ lại, thảy đều quay về Nghĩa Lĩnh. Vua nhận ra đất này là đất tốt, liền chọn làm Kinh đô, cho dựng chính điện trên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh…”. Cùng với đó, nhiều ngọc phả thời tiền sử, sử sách và các nhà khoa học đã xác nhận, vùng đất này có vị trí rất đặc biệt, là nơi giao hòa của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Đà và ba ngọn núi thiêng: Nghĩa Lĩnh, Ba Vì, Tam Đảo, khẳng định đây là vùng đất địa linh, có hình thế “Sơn chầu thủy tụ; sơn thủy hữu tình”.
Theo các truyền thuyết, từ thời dựng nước, Vua Hùng đã có sự phân chia kinh đô Văn Lang làm nhiều khu vực khá rõ nét, như ở xã Trưng Vương ngày nay (xưa là làng Lâu Thượng) là nơi Vua Hùng bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng; làng Lâu Hạ xưa có 12 lâu đài, cung điện, là nơi ở của các Mỵ Nương; khu vực xã Sông Lô ngày nay, xưa kia là nơi các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa sinh sống, cũng là nơi trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi; khu vực xã Phượng Lâu ngày nay, xưa là nơi xây các Lầu Phượng - là nơi ở của các vợ vua, khu vực xã Thanh Đình ngày nay là nơi Hùng Hùng tổ chức luyện quân, săn bắn...
Đặc biệt, tại di tích Làng Cả (Việt Trì), được giới khảo cổ học biết tới từ năm 1959, qua ba lần khai quật cho thấy, đây khu di tích thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn lớn nhất cho đến nay. Giáo sư Hoàng Xuân Chinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định: "Làng Cả trước khi được sử dụng làm mộ địa đã là một khu cư trú của cư dân Ðông Sơn, là di tích quý nhất của văn hóa Ðông Sơn…". Cùng chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) tiếp tục nhận định: "... Đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ. Có thể truyền thuyết, thư tịch từng đề cập đến một kinh đô của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông, hàm chứa một phần sự thật lịch sử, trong đó di tích Làng Cả trở thành di tích nổi nét để nghiên cứu thời này".
Từ kết quả các cuộc khai quật và nhận định của các nhà khoa học, có thể thấy rõ, Làng Cả là một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa quan trọng nhất thời bấy giờ. Từ đây sẽ thu nhận những tinh hoa văn hóa, cũng là nơi phát tán văn hóa ra chung quanh và cả những nơi khác xa hơn. Niên đại của khu mộ Làng Cả được các nhà khoa học xác định kéo dài khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ II - trước Công nguyên. Niên đại của các di chỉ cư trú có sớm hơn, vào khoảng thế kỷ V đến thế kỷ IV trước Công Nguyên. Như vậy, có thể khẳng định, Làng Cả là di tích của người Việt cổ sống trong khoảng thế kỷ V đến thế kỷ II - trước Công Nguyên, và tương đương với thời đại các Vua Hùng dựng nên Nhà nước Văn Lang.
… đến đô thị văn minh, văn hóa
Thành phố Việt Trì hiện là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Phú Thọ, diện tích gần 11.153 ha, dân số hơn 215 nghìn người, trong đó dân số đô thị chiếm gần 70 %; có 22 đơn vị hành chính, gồm 13 phường và 9 xã. Trải qua nhiều giai đoạn quy hoạch và xây dựng, Việt Trì đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, của vùng Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ. Việt Trì có Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, nối thành phố với các tỉnh phía Bắc; có nhiều cây cầu lớn kết nối giao thông vùng như cầu Văn Lang, cầu Việt Trì, cầu Hạc Trì, cầu Vĩnh Phú (đang xây dựng), nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC7), có đường sắt và hệ thống đường thủy đa dạng... đã tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Trì hiện có 50 di tích đã được xếp hạng; trong đó có di tích xếp hạng cấp Đặc biệt Quốc gia Đền Hùng; 13 di tích Quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh. Đây chính là điểm nhấn vô cùng hấp dẫn cho nhân dân và du khách khi đến với thành phố ngã ba sông.
Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2020, Việt Trì đã huy động hơn 27.600 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố. Đến hết năm 2018, 100% các xã của thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Một trong các khâu đột phá là xây dựng Việt Trì trở thành đô thị văn minh, văn hóa đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định. Hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Trì đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tạo cho thành phố diện mạo khang trang, xanh, sạch, đẹp, điều kiện tốt nhất cho việc thực hành hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan ở Phú Thọ”.
Cùng với đó, Việt Trì đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, tôn tạo 30 di tích trên địa bàn, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và gắn với phát triển du lịch. Công tác phục dựng và mở rộng không gian các lễ hội cũng được quan tâm. Nhờ đó, một số di tích đã trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh, có tính đặc thù của vùng đất Tổ, tạo ra những điểm tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…
Nhằm nâng tầm quản lý đô thị, thành phố Việt Trì đã triển khai thực hiện Đề án Đô thị văn minh, văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai Quy chế quản lý đô thị và các đề án xây dựng, nâng tầm đô thị Việt Trì đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân và tinh thần tự giác thực hiện của nhân dân trong các lĩnh vực về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam
Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là nguồn cổ vũ, tiếp thêm động lực để Việt Trì gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân đất Tổ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, với tiềm năng và lợi thế to lớn, đặc trưng vùng đất Tổ, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy hoạch, hình thành, phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện tại, Việt Trì đã xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng - trung tâm thành phố - Bạch Hạc theo hướng kết hợp hài hòa giữa truyền thống, dân tộc và hiện đại; đồng thời tạo dựng môi trường sinh thái chất lượng nhằm tăng cường cảnh quan du lịch, tận dụng không gian xanh để phát triển các khu chức năng, dịch vụ.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục; các kết cấu hạ tầng đô thị và mạng lưới giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Các tuyến đường nội thị như: Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Linh, Vũ Thê Lang, Phù Đổng... và hơn 130km đường giao thông nội bộ, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang, Cầu Vĩnh Phú... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố.
Cùng với đó, Việt Trì tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại, tạo sự hòa quyện, gắn kết giữa các chức năng của thành phố công nghiệp và lễ hội du lịch, thành phố Việt Trì đã và đang huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh - hiện đại; phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, nhằm tạo ra sức bật mới trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Thành phố Việt Trì từng bước duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời tổ chức các lễ hội mới để thu hút khách du lịch… Thông qua đó, vừa giáo dục truyền thống, xây dựng phong cách công dân đất Tổ, vừa quảng bá, tuyên truyền về thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sự liên kết với các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh trong vùng, các trung tâm du lịch, các đối tác trong và ngoài nước để hình thành các khu du lịch - dịch vụ tập trung…
Với các thành tựu đã đạt được cũng như những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố và sự đồng thuận, khát vọng vươn lên của toàn dân, thành phố sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí thành phố văn minh - hiện đại, từng bước đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách thập phương, từng bước đưa Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.